• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

ĐBQH đề nghị tăng mạnh chế tài hình sự, xử nặng tội sản xuất, buôn bán hàng giả

(Chinhphu.vn) - Các đại biểu Quốc hội đề xuất cần có một hệ thống chế tài mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, kết hợp giữa xử phạt tài chính, xử lý hình sự và các biện pháp bổ sung khác nhằm xử lý triệt để vấn nạn này.

20/05/2025 18:09
ĐBQH đề nghị tăng mạnh chế tài hình sự, xử nặng tội sản xuất, buôn bán hàng giả- Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) phát biểu thảo luận tại tổ 11

Chiều 20/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về ba dự án luật: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tại tổ 11 (gồm các đoàn Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long), đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề sản xuất, buôn bán hàng giả - một thực trạng đang nhức nhối trong đời sống xã hội hiện nay.

Theo đại biểu Bình, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm và dược phẩm, đang diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi, có tổ chức và quy mô lớn. Gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng như buôn bán thực phẩm "bẩn", thực phẩm giả với khối lượng lên tới hàng trăm tấn tại các tỉnh thành như Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An… gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đại biểu Bình phân tích, hàng giả, đặc biệt là thực phẩm và thuốc giả, không chỉ gây ngộ độc tức thời mà còn dẫn đến hậu quả lâu dài như ung thư, suy gan, suy thận, tổn thương thần kinh và thậm chí tử vong. Trong khi đó, các hành vi này còn làm tổn hại nghiêm trọng tới niềm tin của người tiêu dùng, gây thiệt hại về tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chân chính, môi trường và trật tự xã hội.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính tối đa cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là 200 triệu đồng. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã nâng mức phạt lên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại biểu Bình cho rằng mức xử phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe, nhất là với các tổ chức, doanh nghiệp có quy mô lớn, sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm.

Từ thực tế đó, đại biểu đề xuất xử phạt theo tỷ lệ giá trị hàng hóa vi phạm. Thay vì chỉ áp dụng mức tiền cố định (ví dụ: 200 triệu đến 2 tỷ đồng), nên quy định phạt theo % giá trị lô hàng vi phạm, tôi đề xuất phạt từ 50-100% tuỳ theo hành vi vi phạm mà có mức phạt hợp lý. 

Bên cạnh đó, cần tăng mạnh chế tài hình sự, mở rộng phạm vi truy cứu với các hành vi tổ chức, có tổ chức và tái phạm. Với hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, gây thiệt hại lớn, cần truy cứu hình sự mạnh mẽ thay vì chỉ phạt hành chính. Thậm chí có thể hình sự hóa thêm nhiều hành vi nhẹ hơn nếu tái phạm nhiều lần (để ngăn chặn từ đầu).

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị áp dụng các biện pháp bổ sung như: Tịch thu toàn bộ tài sản, phương tiện sử dụng để sản xuất hàng giả; Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh với tổ chức vi phạm; Buộc bồi thường cho người tiêu dùng bị thiệt hại về sức khỏe, tài chính; Công khai thông tin vi phạm trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cộng đồng; Áp dụng mức phạt lũy tiến và cấm hành nghề vĩnh viễn với các trường hợp tái phạm.

ĐBQH đề nghị tăng mạnh chế tài hình sự, xử nặng tội sản xuất, buôn bán hàng giả- Ảnh 2.

Phiên thảo luận tại Tổ 13

Giữ hay bỏ án tử hình với tội buôn thuốc giả, vận chuyển ma túy?

Liên quan đến dự thảo Bộ luật Hình sự về việc bỏ án tử hình đối với 8/18 tội danh, thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án, đại biểu Trịnh Minh Bình bày tỏ sự thận trọng và không đồng tình với việc xóa bỏ án tử hình đối với 3 tội danh: Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tham ô tài sản (Điều 353).

Ông Bình cho rằng hành vi làm giả thuốc chữa bệnh rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong, gây tốn kém tiền của của nhân dân, phá hoại Sức khỏe cộng đồng làm mất niềm tin của người dân vào cơ sở khám chữa bệnh và đạo đức xã hội. Đây thường là tội phạm có tổ chức, thực hiện với quy mô lớn và tính chuyên nghiệp cao.

Tương tự, tội vận chuyển trái phép ma túy và tham ô tài sản quy mô lớn cũng gây hậu quả nghiêm trọng về an ninh xã hội, kinh tế. Do đó, giữ nguyên án tử hình trong các trường hợp này nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa và công bằng trong xử lý tội phạm.

Tại tổ 13 (gồm Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk, Lào Cai), đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) lại bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 tội danh, thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án, trong đó có tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy.

Dẫn chứng thực tiễn địa phương, đại biểu Sùng A Lềnh cho biết hiện cả nước có trên 2.300 người thi hành án tử hình, trong đó 83% là án liên quan ma túy. Riêng tại Lào Cai, giám sát từ năm 2023 cho thấy 97% án tử hình liên quan ma túy, tương đương 110 người, trong đó 91% là dân tộc thiểu số. 

“Tại vùng cao, các đối tượng ma túy lợi dụng hạn chế hiểu biết pháp luật, hoàn cảnh khó khăn để lôi kéo bà con tham gia, chủ yếu là vận chuyển ma túy”, ông Sùng A Lềnh nhấn mạnh.

Theo đại biểu, việc thi hành án tử hình hiện rất chậm, chưa đến 1% mỗi năm, gây gánh nặng ngân sách và áp lực lớn cho cơ quan chức năng. “Người bị án tử hình thường có tâm lý tiêu cực, không còn gì để mất, dễ chống đối, vi phạm nội quy trại giam và thậm chí tự sát. Chi phí thi hành án dao động 200-250 triệu đồng/án, với vài nghìn đối tượng thì tổng chi phí rất lớn,” ông phân tích và đề xuất cân nhắc yếu tố nhân đạo và tính răn đe trong hình phạt tù chung thân không giảm án.

Số hóa hoạt động tố tụng 

Cũng tại tổ này, đại biểu Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh), Thứ trưởng Bộ Công an cơ bản đồng tình với các dự thảo luật, đặc biệt là đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ông cho rằng những sửa đổi lần này cần nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, nhất là công cuộc cải cách tư pháp, tổ chức bộ máy hành chính trong hệ thống chính trị, trong đó có việc kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan tiến hành tố tụng, như công an, kiểm sát, tòa án.

Dự thảo luật quy định điều tra viên là trưởng (hoặc phó trưởng) công an cấp xã có quyền trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, công an cấp xã không phải là một cấp cơ quan điều tra. Thẩm quyền điều tra vẫn thuộc cơ quan điều tra công an cấp tỉnh nhưng được giao cho điều tra viên là trưởng (hoặc phó trưởng) công an cấp xã đảm nhiệm.

Đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị Ban soạn thảo làm bật rõ nội dung này trong luật, tránh trường hợp hiểu nhầm rằng là công an xã cũng là một cơ quan điều tra.

Đồng thời, đại biểu Trần Quốc Tỏ cũng nhấn mạnh yêu cầu số hóa hoạt động tố tụng trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang thúc đẩy chuyển đổi số. Ông dẫn chứng Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong đó yêu cầu toàn bộ cơ quan trong hệ thống chính trị xây dựng kế hoạch và lộ trình số hóa toàn diện.

Từ đó, ông đề xuất bổ sung một khoản vào Điều 131 của dự thảo về số hóa hồ sơ vụ án, và một khoản vào Điều 132 quy định người có thẩm quyền tố tụng được phép ký số trên các văn bản tố tụng, với giá trị pháp lý tương đương chữ ký viết tay.

"Cả hệ thống chính trị làm, thì không lý gì mà cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng lại không làm. Không quy định ngay thì lại phải sửa tiếp", ông Tỏ nhấn mạnh.

Thu Giang