Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Trong 2 ngày (26-27/9), Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ được tổ chức. Trong số những thiên tai đang ảnh hưởng tới khu vực này, xâm nhập mặn là hiện tượng gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL.
Diễn biến phức tạp, hậu quả nặng nề
Diễn biến mặn tại ĐBSCL khá phức tạp. Độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông, vùng biển Tây hoặc cả hai. Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít cũng là nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn ở vùng cửa sông ven biển của ĐBSCL, trong đó thủy triều là nhân tố động lực, mang nước biển kèm theo độ mặn đi sâu vào nội đồng, trong khi lượng nước từ thượng lưu đổ về còn hạn chế. Bên cạnh đó, lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn.
Ngoài những yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn như khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất và đời sống ở địa phương, thay đổi mục đích sử dụng đất cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xâm nhập mặn.
Theo các số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua. Ngay từ tháng 2/2016, độ mặn đã duy trì ở mức cao và nghiêm trọng. Trên sông Tiền và sông Hậu, độ mặn là trên 45‰, xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km. Theo Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai thì độ mặn bằng 4‰ đã được coi là bị xâm nhập mặn.
Cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn và đã có 11 tỉnh, thành phố công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận.
GS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phân tích nguyên nhân mặn đầu mùa sớm, sâu chính là do từ năm 2010 đến nay, các đập thủy điện lớn của Trung Quốc đi vào vận hành. Theo ông Tăng Đức Thắng, các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo nên những diễn biến rất khó lường khiến tình trạng mặn giữa mùa có thể giảm vì thủy điện xả nước, nhưng đến mặn cuối mùa thì lại cực kỳ nghiêm trọng khi các nước thượng nguồn trữ nước và xâm nhập mặn có thể kéo đến tháng 6-7.
Hiến kế kiểm soát xâm nhập mặn
Đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: Xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước ở ĐBSCL (khoảng 5.000 km kênh được đào khắp các tỉnh, 45 công trình thủy lợi với mục đích giảm thiểu lũ lụt và ngăn mặn); các công trình ngăn mặn lớn tại ĐBSCL gồm hệ thống thủy nông Quản Lộ-Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai và hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp.
Bộ NN&PTNT đề xuất hai giải pháp để giải quyết vấn đề này. Giải pháp cứng cho cả trước mắt và lâu dài là ngay lập tức hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn, bên cạnh đó là tìm nguồn để xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt với số vốn khoảng 34.000 tỉ đồng.
Để giải quyết nước tức thì cho đời sống nhân dân, nước cho sản xuất và chăn nuôi, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn người dân khoan lấy nước. Bên cạnh đó, lắp ngay máy bơm tại các hồ chứa nước để đưa về. Đồng thời, bà con phải tích trữ tối đa nguồn nước ngọt.
Về giải pháp mềm, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn của ĐBSCL cho riêng năm 2016. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật để ĐBSCL có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo, đưa ra một loạt giống chống chịu được xâm nhập mặn, lập bản đồ xâm nhập mặn để bố trí cây trồng cho phù hợp. Với những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được thì quy hoạch nuôi tôm hoặc một vụ tôm, một vụ lúa.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, trong tình hình ngân sách của đất nước đang hạn hẹp, chúng ta cần khai thác hợp lý nguồn nước mặn và các sản phẩm từ vùng cửa sông, ven biển, trong đó có sử dụng nước mặn để nuôi trồng thủy sản và chú trọng tính đa dạng của vùng cửa sông...
Chuyên gia thủy lợi Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lại cho rằng cần thay đổi tư duy của ngành nông nghiệp bằng cách chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu vật nuôi, cây trồng (đặc biệt là cơ cấu các vụ lúa) theo hướng thích nghi với tình trạng hạn-mặn trong phạm vi cho phép.
Ở những nơi sản xuất 2 vụ lúa khá ổn định, nếu gặp năm xâm nhập mặn cao không đủ tưới, có thể chuyển sang trồng màu, thậm chí để đất nghỉ một vụ. Ở nơi sản xuất 2 vụ lúa còn bấp bênh, thường xuyên bị mặn uy hiếp, có thể chuyển sang trồng 1 vụ lúa 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa 1 vụ tôm.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành khi đầu tư các công trình thủy lợi, hồ đập ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng ĐBSCL cần tính tới yếu tố vận hành liên vùng, liên tỉnh; các tỉnh, thành phố trong vùng cần có liên kết trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu, tránh manh mún, cục bộ. Đặc biệt là phát động trong nhân dân liên kết hình thành các ao, hồ, bể trữ nước ngọt liên hộ, liên khóm, ấp.
Ở cấp độ quốc tế, cần chủ động khuyến nghị các quốc gia vùng thượng nguồn như Trung Quốc, Lào, Campuchia có chính sách liên kết trong khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc.