Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
“Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023 được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL.
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha, với các tiêu chuẩn về giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/ha; giảm 20% phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững; 100% diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao có liên kết với HTX, tổ hợp tác của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỉ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm sau thu hoạch được thu gom và tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống.
Đặc biệt, Đề án xác định rõ, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người nông dân đạt trên 40%; lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, để tham gia Đề án, 46 hộ nông dân với 50 ha đất canh tác là thành viên của HTX Nông nghiệp Hưng Lợi phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác, từ khâu làm đất, đến khi thu hoạch và sau thu hoạch (kể cả xử lý rơm rạ).
Theo ông Trương Văn Hùng, lợi ích rõ rệt nhất khi tham gia Đề án là "chi phí giảm, lợi nhuận tăng", nhất là đầu ra ổn định khi người tiêu dùng ưa chuộng gạo ST25 của HTX được trồng trong mô hình thơm ngon hơn, rất ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, giống lúa ST25 của HTX Hưng Lợi đang bán với giá 10.300 đồng/kg, trong khi lúa này ở ngoài mô hình chỉ 8.000 đồng/kg. Lợi nhuận trung bình 1 ha từ 45-49 triệu đồng.
"Chúng tôi có kế hoạch mở rộng diện tích theo mô hình này, nhưng đang gặp khó khăn về thiết bị máy móc để cơ giới hóa các khâu sản xuất, thu gom rơm rạ", ông Trương Văn Hùng chia sẻ.
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Trần Vĩnh Nghi phân tích: Đề án đã phát huy hiệu quả thiết thực với chi phí sản xuất thấp hơn, lợi nhuận cao hơn. Hiệu quả sản xuất của mô hình tăng 32,3% so với ngoài mô hình do chi phí sản xuất thấp hơn (20,1%) và lợi nhuận cao hơn (12,2%).
Bên cạnh đó, kết quả về đo đạc phát thải khí nhà kính trong vụ Hè-Thu năm 2024 tại HTX Hưng Lợi cho thấy, lượng phát thải trong mô hình là 9.505 kg CO2 tương đương/ha, giảm 3.996 kg CO2 tương đương/ha/vụ (tương đương 29,6%) so với ruộng ngoài mô hình. Đây là bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho thấy hiệu quả của việc giảm phát thải khi điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp hơn.
"Từ hiệu quả kinh tế ban đầu đã cho thấy việc giảm vật tư đầu vào không làm ảnh hưởng đến năng suất và giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đây là động lực để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trong tương lai", ông Trần Vĩnh Nghi nói.
Tại HTX Nông nghiệp Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ), ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX vui vẻ cho biết: HTX là nơi đầu tiên tại Cần Thơ và vùng ÐBSCL được chọn triển khai mô hình thí điểm Ðề án, với diện tích 50 ha trong vụ Hè-Thu năm 2024.
Ban đầu khi triển khai mô hình, các xã viên cũng khá hồi hộp, nhất là lo năng suất lúa có thể bị giảm khi thực hiện giảm mạnh lượng lúa giống, chỉ còn 60 kg/ha. Tuy nhiên, đến thu hoạch lúa, mọi người rất hài lòng bởi năng suất, chất lượng lúa đạt cao và còn giảm được nhiều chi phí đầu vào nhờ áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật theo Ðề án là giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính.
Người nông dân càng vui hơn khi sản phẩm lúa đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu và doanh nghiệp cũng đã ký hợp đồng bao tiêu lúa liên tiếp trong các vụ tới (vụ Thu-Đông năm 2024 và vụ Đông-Xuân 2024-2025).
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Ngô Thế Hiên, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, Bộ NN&PTNT đã cùng 12 tỉnh rà soát vùng thực hiện Đề án, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh và vùng ĐBSCL; rà soát toàn bộ hiện trạng hạ tầng sản xuất vùng dự án, nhất là hạ tầng thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động, hạ tầng hỗ trợ vận chuyển, cơ giới hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Về xây dựng các mô hình thí điểm theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, đến nay Bộ NN&PTNT đã cùng các địa phương và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè-Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực.
Cụ thể: Giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg lúa.
Kết quả đạt được từ các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.
"Đây là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế", ông Ngô Thế Hiển cho hay.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ, rất phấn khởi khi việc triển khai Đề án đã mang lại hiệu quả khá toàn diện và thiết thực trên địa bàn tỉnh, từ công tác chỉ đạo điều hành, triển khai truyền thông, tập huấn, mở rộng diện tích, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng mô hình…
Kiên Giang cũng đang khảo sát thực tế vùng trồng để chuẩn bị ký thỏa thuận chi trả tiền giảm phát thải từ Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi cho các hộ nông dân, HTX tham gia Đề án. Đây cũng là niềm vui bất ngờ đối với người nông dân khi tham gia mô hình trong Đề án.
"Đề án triển khai thực hiện phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành lúa gạo của cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Nhất là có sự đồng lòng của chính quyền địa phương, các HTX, doanh nghiệp và người nông dân trực tiếp sản xuất lúa", Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
Nhìn nhận bước đầu về hiệu quả của chương trình sau một năm thực hiện khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch cho biết: Đề án được Thủ tướng phê duyệt, ban hành theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023. Từ vụ Hè-Thu năm 2024, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện 7 mô hình tại 5 tỉnh, thành phố.
Kết quả đã khẳng định hiệu quả thiết thực là nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân so với ngoài mô hình, giảm được lượng phát thải khí nhà kính đáng kể nhờ thực hiện tưới ướt khô xen kẽ, thu gom rơm ra khỏi đồng và giảm lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí sản xuất có thể giảm từ 10-15%, năng suất gia tăng từ 200-700 kg/ha và lợi nhuận tăng 4-7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình…
Cụ thể, mô hình tại Cần Thơ (giống lúa OM5451) tăng lợi nhuận ròng từ 1-6 triệu đồng/ha; mô hình tại Sóc Trăng (lúa ST25) cho lợi nhuận ròng tăng từ 13-18 triệu đồng/ha. Đây là tính hiệu rất tốt và sẽ là tiền đề để tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Qua tiếp xúc và gặp gỡ nông dân, TS. Trần Ngọc Thạch nhận thấy, phần lớn bà con nông dân tham gia mô hình đều rất phấn khởi và mong muốn tiếp tục tham gia thực hiện mô hình.
Đề cập đến những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Đề án là thiếu máy móc để thực hiện gieo sạ nếu mở rộng mô hình quy mô lớn, hệ thống tưới tiêu còn chưa đồng bộ, khó khăn khi thực hiện trong vụ mưa và việc bao tiêu lúa và tín chỉ carbon cần có sự minh bạch và rõ ràng hơn.
Đề xuất giải pháp, ông Trần Ngọc Thạch kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền và tập huấn để các đối tượng tham gia Đề án nắm rõ ý nghĩa và tuân thủ đúng quy trình sản xuất lúa, đảm bảo tính bền vũng của mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Đồng thời, nghiên cứu tăng công suất máy gieo sạ và mở rộng ứng dụng thiết bị bay không người lái trong gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật, giải quyết khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất và thu mua lúa hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gạo từ Đề án để giúp đảm bảo uy tính và chất lượng, qua đó nâng cao giá trị của gạo.
Đánh giá về Đề án, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, việc xây dựng Đề án sẽ đồng thời giải quyết hàng loạt vấn đề của ngành hàng lúa, gạo, như tổ chức lại sản xuất, tư duy canh tác, thị trường...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra, trong hàng chục năm qua, cấu trúc ngành lúa, gạo ở khu vực này rất "manh mún", thiếu liên kết... Do đó, nếu Đề án được thực hiện thành công ở ĐBSCL thì sẽ nhân rộng ra các vùng khác và có thể thực hiện tương tự đối với các ngành chăn nuôi, thủy sản...
Theo Bộ trưởng, ngành hàng lúa, gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của tất cả các bên: Nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương phải coi đây là một cuộc "cách mạng" thì Đề án mới thành công được.
Lê Sơn