• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Để du lịch biển đảo Việt Nam phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Làm thế nào để du lịch biển đảo Việt Nam phát triển, tạo được sắc thái riêng với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước, song vẫn giữ gìn, bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan, đảm bảo an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ... đòi hỏi cần phải có những giải pháp phù hợp, kịp thời.

03/02/2024 08:25
Để du lịch biển đảo Việt Nam phát triển bền vững- Ảnh 1.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển đảo - Ảnh: VGP/DA

Bài 1: Phát huy thế mạnh quốc gia biển đảo

(Chinhphu.vn) - Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển đảo. Thời gian qua, du lịch biển, đảo đã được chú ý phát triển để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, song vẫn còn nhiều bất cập. Để du lịch biển đảo phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, chiến lược cụ thể.

Du lịch biển, đảo đã và đang là loại hình du lịch được đầu tư khai thác và phát triển, nhất là các quốc gia có lợi thế về biển, trong đó có Việt Nam.

Tài nguyên biển đảo của Việt Nam phong phú và đa dạng, bao gồm tài nguyên tự nhiên biển đảo, tài nguyên nhân văn... do đó phát triển du lịch biển, đảo được coi là một nhiệm vụ quan trọng góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Du lịch biển, đảo cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm việc làm cho xã hội, nhất là khu vực ven biển, đảm bảo khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế về du lịch biển, đảo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020 đã xác định du lịch biển, đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Chiến lược phát triền bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định Phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm.

Tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam

Là quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, có 3 mặt giáp biển với bờ biển dài trên 3.260 km và gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ cùng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, biển đảo Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế và du lịch. Các bãi biển nước ta phân bố trải đều từ bắc vào nam, từ Móng Cái đến Hà Tiên với hàng loạt bãi tắm đẹp, cát mịn, nước trong xanh như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Lăng Cô, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Long Hải, Vũng Tàu… Cùng với bờ biển dài, nước ta có một hệ thống đảo, vịnh phong phú trải dài từ vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang với nhiều cảnh quan nổi tiếng như Đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Phú Quốc… và nhiều vịnh đẹp nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa)…

Lãnh thổ du lịch biển đảo là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi với nguồn tài nguyên tự nhiên, nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng và phong phú, tập trung tới 07/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 06/08 khu dự trữ sinh quyển, nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hoá - lịch sử. Trong số 25 Vườn Quốc gia ở Việt Nam thì có 4 VQG trên đảo gồm VQG Cát Bà, VQG Bái Tử Long, VQG Côn Đảo, VQG Phú Quốc; 7 VQG thuộc các tỉnh ven biển là U Minh Thượng (Kiên Giang), Bạch Mã (Huế), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Bến Én (Thanh Hóa), Cúc Phương (Ninh Bình). Vùng ven biển có 22/55 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị để phát triển du lịch như Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Mun (Khánh Hòa).

Ngoài ra, các đảo ven biển nước ta còn lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử, lễ hội văn hóa (trong khoảng hơn 100 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam thì có 35 lễ hội thuộc vùng ven biển), ẩm thực làng biển với nhiều làng nghề như nuôi, chế biến hải sản, nuôi cấy ngọc trai… 

Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí Forbes của Mỹ đã bầu chọn bãi biển Đà Nẵng là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn đảo Phú Quốc là hòn đảo có sức hút và nằm trong 100 điểm đến hấp dẫn nhất. Giải thưởng Asia's Best Awards 2022 do tạp chí Travel & Leisure phiên bản Đông Nam Á giới thiệu đã bình chọn đảo Phú Quốc và Côn Đảo của Việt Nam nằm trong 10 đảo hàng đầu của Đông Nam Á. Phú Quốc và Côn Đảo cũng đã đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam nhiều giải thưởng có giá trị như giải thưởng khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới vào năm 2018 dành cho Sixsence Côn Đảo; giải thưởng khu nghỉ dưỡng villa hàng đầu thế giới năm 2019 dành cho Premier Village Phú Quốc. Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã vinh dự được đề cử 61 hạng mục giải thưởng của World Travel Awards khu vực châu Á năm 2022, trong đó có những hạng mục quan trọng tầm quốc gia như điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến du lịch biển hàng đầu châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến di sản hàng đầu châu Á, điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á[1]

Với những đặc điểm trên, Việt Nam có nhiều tiềm năng và điều kiện để xây dựng khu du lịch biển đảo có sức cạnh tranh cao, chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch biển đảo, đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái, du lịch MICE… mang đặc trưng, bản sắc riêng, có sự khác biệt giữa các vùng, miền đồng thời đem lại hiệu quả cho nhiều ngành kinh tế, tạo việc làm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam với quốc tế.

Để du lịch biển đảo Việt Nam phát triển bền vững- Ảnh 2.

Ngành du lịch Việt Nam hướng tới việc tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, để tạo ra động lực phát triển các trung tâm du lịch biển, đảo - Ảnh: VGP/DA

Đa dạng các sản phẩm du lịch biển, đảo ở Việt Nam

Trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã tập trung khai thác và phát triển một số sản phẩm du lịch biển, đảo cụ thể như:

Tham quan các di sản thế giới ở vùng ven biển: Sản phẩm du lịch này đã và đang thu hút khá động lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiện nay, hầu hết trong các tours du lịch của các hãng lữ hành sản phẩm du lịch này được chào bán trên tất cả các thị trường nguồn du lịch Việt Nam.

Tham quan các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng: Sản phẩm du lịch này được hầu hết các địa phương ven biển chú ý khai thác bởi việc xây dựng loại sản phẩm du lịch này không phức tạp, không phải đầu tư nhiều, có thể thu hút được nhân lực địa phương tham gia.

Tham quan cảnh quan: Đây là nhóm sản phẩm du lịch khá quen thuộc ở hầu hết các vùng ven biển. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển du lịch, những năm qua, sản phẩm được xem là hấp dẫn nhất thuộc nhóm sản phẩm này là tham quan cảnh quan vịnh Hạ Long, vịnh Cảnh Dương, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vịnh Văn Phong, Nha Trang (Khánh Hoà), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận)…; cảnh quan các đảo ven bờ như Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận)…

Phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch, những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển với tốc độ khá nhanh, trong đó du lịch biển đảo có một sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc thực hiện Đề án Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020 đã tạo cơ sở để ngành du lịch Việt Nam hướng tới sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với tài nguyên biển đảo có sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế. Đề án đã xác định và tập trung khai thác 4 không gian ven biển với các địa bàn trọng điểm nhằm tạo sức hút, điểm nhấn, kết nối với thị trường du lịch quốc tế.

Thời gian qua, những khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch được tập trung đầu tư phát triển, như: Hạ Long, Vân Đồn - Cô Tô, Trà Cổ, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Cồn Cỏ, Cửa Tùng - Cửa Việt, Huế, Lăng Cô - Cảnh Dương, Đà Nẵng, Non Nước, Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Hoàng Sa, Hội An, Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Sơn Mỹ, Lý Sơn, Phương Mai, Xuân Đài, Bắc Cam Ranh, Trường Lũy, Trường Sa, Nha Trang, Ninh Chữ, Vĩnh Hy, Mũi Né, Phan Thiết, Phú Quý, Long Hải - Phước Hải, Côn Đảo, Vũng Tàu, Cần Giờ, Phú Quốc, Hà Tiên.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù

Ngành du lịch Việt Nam cũng đã hướng tới việc tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, để tạo ra động lực phát triển các trung tâm du lịch biển, đảo. Các khu, điểm du lịch biển trọng điểm được tập trung đầu tư, phát triển nhằm thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư và hình thành những điểm đến tầm cỡ, có thương hiệu nổi bật trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc hình thành và xây dựng các tuyến du lịch biển và du lịch tàu biển cũng đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động du lịch biển, đảo như: các tuyến xuất phát từ Hạ Long, Hải Phòng, Cửa Lò, Huế, Đà Nẵng, Sa Kỳ, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Tiên và kết nối với các đảo và bãi biển Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù lao Chàm, Lý Sơn, Hoàng Sa, Hòn Tre, Hòn Tằm, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc.

Tổ chức không gian du lịch biển tập trung tại các vịnh và đô thị du lịch biển như: Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Xuân Đài, Vĩnh Hy, Phan Thiết - Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên.

Các chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch biển, đảo tập trung theo hướng chiến lược ưu tiên như chương trình nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển du lịch biển, đảo gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia; điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển, bảo tồn tài nguyên biển, đặc biệt đối với hệ thống các đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa; đầu tư hạ tầng then chốt phục vụ du lịch biển, hệ thống cảng du lịch, cầu tàu, bến neo đậu ven bờ, trên vịnh và trên các đảo; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù các miền biển, ưu tiên và hỗ trợ phát triển các tuyến du lịch đảo xa, đặc biệt là dự án phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phát huy giá trị văn hóa biển, ẩm thực biển phục vụ phát triển du lịch; phát triển nhân lực cho du lịch biển, đảo.

PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà

Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bài 2: Phát triển du lịch biển, đảo chuyên nghiệp, trở thành điểm đến hấp dẫn


[1] Tổng Cục du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch, Thông tin Du lịch tháng 6 năm 2022, tr 7.