Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Trường
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới 34 điểm cầu là 34 sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc vào chiều nay (9/7), tại trụ sở Bộ VHTTDL.
Báo cáo kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua ngành Du lịch đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả nổi bật. Du lịch được Chính phủ đánh giá là một trong 10 điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội.
Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024; đạt 48,6% so với kế hoạch năm. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng, đạt 52,8% so với kế hoạch năm 2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác xúc tiến, quảng bá tiếp tục có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, gắn với văn hóa - nghệ thuật - điện ảnh, cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài. Đơn cử Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp tục chủ trì cùng các địa phương, doanh nghiệp tham gia hội chợ du lịch quốc tế Travex tại Malaysia, ITB Berlin tại Đức. Tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại 6 nước châu Âu gồm Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan, Séc và Đức. Xúc tiến du lịch điện ảnh tại Liên hoan Phim Cannes, Pháp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ động tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về miễn thị thực cho Ba Lan, Séc, Thụy Sỹ theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Nghị quyết 44 về miễn thị thực cho 12 quốc gia. Đặc biệt Thủ tướng đã ban hành Công điện 34 về thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số.
Ở các địa phương trên cả nước, nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá và thu hút khách, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch năm 2025.
Kết quả tăng trưởng của du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Quý I năm 2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2024, cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và xếp thứ 6 trên toàn thế giới. Xét về góc độ phục hồi so với năm 2019 thời điểm trước dịch, Việt Nam cũng có kết quả rất tốt, xếp thứ 2 ở châu Á Thái Bình Dương với mức tăng 34%. Trong bối cảnh du lịch châu Á Thái Bình Dương vẫn đang tìm đường phục hồi thì mức tăng trưởng của Việt Nam thực sự trở thành điểm sáng trong khu vực.
Tạo sự bứt phá cho ngành Du lịch bước vào kỷ nguyên mới
Để tạo sự bứt phá cho ngành Du lịch bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, toàn ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới gồm:Tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng "kiến tạo phát triển": sửa đổi Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và thuận lợi cho công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tham mưu ban hành "chính sách, cơ chế đột phá", trong đó phối hợp với các ngành Ngoại giao, Công an để tham mưu, đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế; phối hợp tham mưu xây dựng và ban hành chính sách thuế phù hợp, đặc biệt về thuế đất đối với các khu du lịch, thuế nhập khẩu trang thiết bị khách sạn, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách du lịch; phối hợp ngành Hàng không đề xuất mở rộng kết nối với các thị trường quốc tế; với ngành Nông nghiệp, Đường sắt để khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch đường sắt;
Tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu: xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… mang tầm của điểm đến thế giới trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh quốc gia gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đẳng cấp, mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách; định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.
Đồng thời, thúc đẩy thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm "lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm".
Mặt khác, tập trung cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Rà soát, nhanh chóng phục hồi, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của Ngành; nghiên cứu tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, còn nhiều dư địa, phù hợp với bối cảnh mới.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực.
Chỉ đạo, định hướng ngành Du lịch các địa phương tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách
Tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương thức thực hiện, kết hợp hài hòa nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội trong quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia; tập trung quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch.
Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế. Định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.
Ảnh: Xuân Trường
"Hợp lực, trọng điểm, bứt tốc" để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, sau khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động, cũng như sắp xếp lại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố; cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến phát triển du lịch và khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, ghi nhận những nỗ lực của các địa phương. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
'Phải làm sao để đưa du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn truyền cảm hứng, chạm đến trái tim của du khách, khơi dậy cảm hứng của du khách để thu hút và giữ chân du khách', Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, ngành du lịch phải quyết tâm thực hiện "hợp lực, trọng điểm, bứt tốc" để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Các địa phương sau khi sáp nhập cần rà soát, đánh giá lại tài nguyên trong không gian rộng hơn, từ đó có chiến lược phân khu, định vị điểm đến du lịch. Các địa phương cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong lĩnh vực du lịch. Tái xác định thị trường trọng điểm, tập trung vào 10 thị trường hàng đầu gồm có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, Nga, EU, trong đó cần xác định "Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng", từ đó có chính sách phát triển du lịch hiệu quả.
Tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm công nghệ, trong đó tăng cường số hóa dữ liệu, số hóa điểm đến.
Các địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá theo chương trình kích 'Việt Nam – Đi để yêu' mà Bộ VHTTDL đã phát động; Xác định rõ thế mạnh sản phẩm của mình, có chiến lược hợp tác, liên kết vùng để tạo thành chuỗi sản phẩm chất lượng. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, các sản phẩm phải có chiều sâu; chú trọng phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa để làm tài nguyên phát triển du lịch.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, hiện đại, khắc phục tình trạng "chặt chém". Tăng cường liên kết du lịch với các ngành, lĩnh vực liên quan. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch...
Diệp Anh