Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tư pháp cho biết, Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và sửa đổi, bổ sung ngày 10/6/2020. Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện cho thấy, hệ thống các quy định về giám định tư pháp ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao; quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn. Nhìn chung, công tác giám định có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả, về cơ bản phục vụ đắc lực hơn cho hoạt động tố tụng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là về tham nhũng, kinh tế, cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay, công tác giám định tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp chưa được đảm bảo, người giám định tư pháp còn thiếu kiến thức pháp lý; chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đủ để thu hút các nhà chuyên môn giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp trong Luật Giám định tư pháp cần tiếp tục được hoàn thiện.
Thứ hai, xã hội hoá giám định tư pháp còn hạn chế, bất cập, chưa huy động, thu hút các tổ chức chuyên môn, công nghệ cao tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.
Thứ ba, hoạt động giám định tư pháp trong một số trường hợp còn tồn tại, hạn chế cả ở khâu trưng cầu và tiếp nhận, thực hiện giám định, cụ thể:
(1) Về bên trưng cầu giám định: (i) không nêu cụ thể vấn đề cần giám định hoặc không phù hợp với phạm vi chuyên môn của tổ chức được trưng cầu; (ii) tập trung trưng cầu giám định về các bộ, cơ quan chuyên môn ở cấp Trung ương gây quá tải, ảnh hưởng tiến độ giám định và giải quyết vụ án; (iii) chưa đảm bảo đầy đủ, kịp thời chi phí, bồi dưỡng giám định; (iv) thời hạn giám định chưa phù hợp với tính chất, yêu cầu vụ việc giám định; (v) thiếu sự phối hợp để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong trưng cầu, thực hiện giám định.
(2) Về bên tiếp nhận, thực hiện giám định: (i) có biểu hiện đùn đẩy, từ chối giám định không có lý do chính đáng; (ii) chậm cử người hoặc cử người không có năng lực giám định; (iii) kéo dài việc tiếp nhận, thực hiện việc giám định; (iv) kết luận giám định trong một số trường hợp còn chung chung; (v) thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị cùng tham gia thực hiện vụ việc giám định; (vi) thiếu chủ động thông tin, kịp thời phối hợp với cơ quan trưng cầu trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận, thực hiện giám định...
Thứ tư, việc quản lý, sử dụng chi phí giám định tư pháp còn bất cập, vướng mắc; chưa có được các chính sách, chế độ ưu đãi đủ mạnh nên chưa khuyến khích, thu hút các nhà chuyên môn giỏi, các tổ chức chuyên môn có năng lực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.
Thứ năm, một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự quan tâm chăm lo đến tổ chức, hoạt động giám định tư pháp nên chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với công tác này.
Bộ Tư pháp cho biết, nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay có nguyên nhân từ thể chế, trong đó, một số quy định của Luật Giám định tư pháp đã trở nên bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện.
Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Giám định tư pháp nhằm tiếp tục thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để góp phần quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của hoạt động tố tụng, công tác phòng chống tham nhũng trong tình hình mới là yêu cầu cần thiết khách quan.
Mời bạn đọc xem Hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Luật Giám định tư pháp và góp ý.
Tuệ Văn