Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiện tại, ngành dừa Việt Nam có vị trí quan trọng trên thế giới với diện tích trên 188 nghìn ha. Diện tích dừa Việt Nam chiếm 1,67% diện tích trên thế giới, 2,07% diện tích dừa châu Á. Tốc độ tăng diện tích dừa của Việt Nam khá cao, năm 2010, diện tích dừa Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới thì đến năm 2021, diện tích dừa Việt Nam đã xếp thứ 5 trên thế giới.
Dừa là một loại cây trồng có giá trị và đa dụng vì có thể sử dụng trong công nghiệp chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau từ các bộ phận của cây dừa.
Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân và tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới.
Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau như: chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa... giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động.
Hiện tại cũng có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu.
Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Hiện nay, Bến Tre được xem là thủ phủ dừa của cả nước. Tại Bến Tre, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến cuối năm 2022, tổng diện tích dừa của tỉnh hơn 78.000 ha, tăng 768 ha, diện tích đang cho trái là hơn 71.400 ha, với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm; trong đó diện tích dừa uống nước khoảng 15.850 ha chiếm tỉ lệ 20,3%; dừa hữu cơ của tỉnh đạt 17.200 ha, đến năm 2025 ước đạt hơn 20.000 ha dừa hữu cơ, tập trung trên vùng sản xuất dừa công nghiệp. Hơn 70% người dân Bến Tre có kinh tế chủ yếu thu nhập từ cây dừa. Nhờ tích cực đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm dừa được nâng lên, giúp giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa đạt khoảng 3.300 tỷ đồng/năm, chiếm trên 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Để phát triển dừa Việt Nam một cách bền vững, tại Hội thảo "Phát triển dừa bền vững Việt Nam đến năm 2030 và đề án "Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 - cây dừa" được tổ chức tại Bến Tre mới đây, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU...; đề nghị các Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam được vào danh sách xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Nguyễn Quang Dũng cho biết: Từ trước đến nay, dừa là 1 cây đa dụng, đa giá trị. Xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD và có tiềm năng rất lớn. Bến Tre là thủ phủ của dừa, đã cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác phát triển rất nhiều mặt hàng có giá trị.
Hiện nay, Đề án phát triển cây công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 đã khảo sát (trong đó có cây dừa) trên 9 tỉnh (2 tỉnh miền Nam Trung Bộ, 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) và thu thập số liệu thứ cấp tại các tỉnh khác. Đề án sẽ đưa ra định hướng và giải pháp phát triển cây dừa đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhật Thy