Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, An Giang. |
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Quốc hội, trao đổi về ý kiến mở cửa đất nước đối với một số đối tác quan trọng, quốc gia cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát dịch.
Theo ông, làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đang treo lơ lửng trên đầu các nước, trong đó có chúng ta.
Các nhà đầu tư cũng lo lắng chúng ta chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với thực trạng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
Do đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, chúng ta cần tiến hành các biện pháp thẩm định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không để bùng phát dữ dội như các nước khác.
Các phương pháp này cần dựa vào các nhà khoa học trong ngành y tham vấn để khẳng định sự an toàn dịch bệnh ở Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng bày tỏ đồng ý với đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) phát biểu trước đó khi đánh giá đến hệ thống y tế công cộng đã phát huy hiệu quả rất rõ ràng nhưng có nguy cơ suy yếu do chưa được đầu tư đúng mức.
Do đó, ông đề nghị cần thực hiện giải pháp để nâng cao chất lượng nhân viên y tế tuyến xã, tuyến huyện là nhu cầu cấp bách. Có chiến lược đầu tư rõ ràng để nâng cao chất lượng, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa.
“Có như vậy khi có những dịch bệnh mới Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu bày tỏ ấn tượng với công tác phòng chống dịch thời gian qua.
Đại biểu Bùi Văn Cường (Đắk Lắk): “Trong khi thế giới đang loay hoay với COVID-19 thì việc chúng ta có mặt đông đủ tại Hội trường Diên Hồng an toàn là hạnh phúc rất lớn”. Là một trong số ít các quốc gia trên thế giới với độ mở kinh tế lớn, hội nhập kinh tế sâu, rộng, đường biên giới dài nhưng Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là điểm sáng toàn cầu về phòng, chống dịch.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng: “Cuộc chiến với đại dịch một lần nữa cho thấy truyền thống quý báu về một ý chí Việt Nam”.
Theo ông, khi Tổ quốc lâm nguy hay đứng trước đại dịch nguy hiểm, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một chung sức đồng lòng hướng tới mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng. Cũng qua cuộc chiến với đại dịch cho thấy sự ủng hộ, niềm tin không phai nhạt của nhân dân với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng thời, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì khẳng định: Việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới tạo ra niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Gần 2 tháng qua, đất nước ta không có ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, phần lớn các ca nhiễm đã được chữa khỏi và ra viện. Xã hội gần như trở lại hoạt động bình thường, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch nhộn nhịp trở lại, các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết cơ bản. Vì thế, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận thấy, các biện pháp phòng chống dịch vừa có tầm vĩ mô, vừa sát thực tiễn. Điểm nhấn của công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã cho ta thấy đúng bản chất và tầm nguy hiểm của nó để làm cơ sở đề ra các biện pháp, giải pháp, thể hiện sự nhạy bén của Chính phủ. Cùng với đó là đưa ra các biện pháp hỗ trợ rất kịp thời, gói an sinh xã hội, giá điện…
Hiện nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, chúng ta trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Điểm cốt lõi của trạng thái này, theo đại biểu Tô Văn Tám, vẫn là cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế.
Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị Nhà nước tốt, đang hội nhập kinh tế thế giới rộng. Do vậy, đòi hỏi cải cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và hành động. Các gói hỗ trợ trong quá trình triển khai còn vướng mắc về thủ tục cần tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công chậm…
Để giải quyết tận gốc những vướng mắc này, theo đại biểu Tô Văn Tám, cần kiến tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý thu gọn chứ không chỉ là tháo gỡ vướng mắc.