Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết Điều 10 về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Dự thảo quy định, tiêu chuẩn xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau: Chuyên gia là những người được đào tạo theo hướng chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung, trình độ từ Đại học trở lên. Chuyên gia quy định trên phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác.
Tiêu chuẩn xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau: Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; được người dân trong cộng đồng tôn trọng, tín nhiệm, tin tưởng, nghe theo.
Tùy tình hình thực tiễn tại địa phương, Tòa án có thẩm quyền tuyển chọn chuyên gia, nhà chuyên môn khác, người có uy tín trong cộng đồng dân cư đáp ứng các tiêu chuẩn quy định để bổ nhiệm Hòa giải viên.
Về bổ nhiệm người đang kiêm nhiệm công tác khác làm Hòa giải viên, những người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 10 và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có thể được lựa chọn, bổ nhiệm làm Hòa giải viên khi đang kiêm nhiệm công tác khác.
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng TTĐT Tòa án nhân dân tối cao.
Tuyết Lạc