Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây làm một trong những giải pháp được các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng kiến nghị nhằm giúp ngành vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất sản phẩm xi măng nói riêng "vượt khó" trong bối cảnh các ngành sản xuất này đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, các ngành sản xuất vật liệu đều gặp khó khăn, trong đó có sản xuất xi măng. Hiện 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động trên cả nước; nhiều nhà máy phải dừng 1 hoặc 2 dây chuyền để giảm lượng tồn kho.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 11 tháng qua, cả nước sản xuất hơn 80 triệu tấn xi măng, trong đó 52 triệu tấn tiêu thụ trong nước, 29 triệu tấn xuất khẩu. So sánh cùng kỳ năm 2022, sản xuất xi măng giảm 12%, tiêu thụ trong nước giảm 16%.
Theo PGS.TS Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, khi xây dựng quy hoạch xi măng, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1488/QĐ-TTg, tính toán nhu cầu xi măng để xây dựng đất nước đến năm 2020 khoảng 90 - 95 triệu tấn/năm. Trong quy hoạch phê duyệt giai đoạn 2022 - 2025 sẽ dành một phần xuất khẩu.
"Thực tế, từ 2011 - 2022 năng lực sản xuất xi măng tăng, nhưng xi măng tiêu thụ nội địa tăng trung bình 1,6%/năm. Sự hấp thụ xi măng không như tính toán nên cung vượt cầu, các nhà máy phải xuất khẩu, năm xuất khẩu nhiều nhất (2021), chúng ta xuất khẩu đến 45,7 triệu tấn, tương đương 42% sản lượng sản xuất" , PGS.TS Lương Đức Long chỉ rõ.
Lý giải nguyên nhân khiến tiêu thụ xi măng giảm, TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng phân tích: Cầu xi măng giảm do sự sụt giảm của thị trường BĐS, DN BĐS gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, vốn… dẫn đến dự án bị đình trệ, giãn hoãn tiến độ; tiến độ đầu tư công chậm...
Để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn hiện nay, TS. Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên cả nước. Khi các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình khởi sắc sẽ gia tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng.
Về mặt chính sách thuế, TS. Nguyễn Quang Hiệp kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm, giúp DN xi măng vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinker xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.
Về chính sách đầu tư, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở địa bàn nền đất yếu, thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ…
Cùng với đó, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, doanh nghiệp xi măng cần đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng nhiệt thừa phát điện; sử dụng rác, phế thải để làm nhiên liệu đốt thay thế than, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, chủ động phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cần đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm xi măng xanh, hướng đến phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Toàn Thắng