Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được ban hành theo Nghị định số 60/2018/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm 114 biểu về cơ bản đã thu thập đầy đủ các chỉ tiêu thống kê quốc gia phân công cho Bộ, ngành thu thập. Ngoài ra, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ Tổng cục Thống kê biên soạn các chỉ tiêu thống kê phân cho Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 60/2018/NĐ-CP cũng còn một số những bất cập, vướng mắc đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung, thay thế cụ thể như sau: Thông tin thu thập chưa đáp ứng được Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới như thông tin thống kê đo lường kinh tế số, logictics,… Một số Bộ, ngành khi thực hiện báo cáo còn có khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê có sự thay đổi và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, đòi hỏi Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phải được xây dựng mới cho phù hợp.
Việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia nhằm mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý về xây dựng các hình thức thu thập thông tin thống kê bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Thống kê (Luật số 89/2015/QH13, Luật số 01/2021/QH15); khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thực hiện Nghị định số 60/2018/NĐ-CP.
Đồng thời xây dựng các biểu mẫu thống kê nhằm thu thập thông tin phục vụ biên soạn, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đây là căn cứ pháp lý để các Bộ, ngành chủ động xây dựng các hình thức thu thập thông tin thống kê phục vụ biên soạn, tổng hợp hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Theo dự thảo, nội dung chế độ báo cáo thống kê gồm mục đích, phạm vi thống kê, đối tượng áp dụng, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, ký hiệu biểu, kỳ báo cáo, thời hạn nhận báo cáo, phương thức gửi báo cáo và các biểu mẫu kèm theo giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê cụ thể.
Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia gồm danh mục biểu mẫu báo cáo, biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo áp dụng đối với từng bộ, ngành.
Đơn vị báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu thống kê. Cơ quan trực thuộc bộ, ngành tổng hợp số liệu thuộc lĩnh vực bộ, ngành được giao quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
Đơn vị nhận báo cáo là Tổng cục Thống kê được ghi cụ thể góc trên bên phải của từng biểu mẫu, dưới dòng đơn vị báo cáo.
Ký hiệu biểu gồm hai phần: Phần số và phần chữ; phần số được đánh liên tục từ 001, 002, 003,...; phần chữ được ghi chữ in viết tắt sao cho phù hợp với từng ngành hoặc lĩnh vực và kỳ báo cáo (năm - N; quý - Q; tháng - T; hỗn hợp - H); lấy chữ BCB (Báo cáo Bộ) thể hiện cho hệ biểu báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành.
Kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch, bao gồm: Báo cáo thống kê tháng được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng cho đến hết ngày cuối cùng của tháng.
Báo cáo thống kê quý được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng đầu tiên của kỳ báo cáo thống kê cho đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ ba của kỳ báo cáo thống kê đó.
Báo cáo thống kê 6 tháng được tính bắt đầu từ ngày 01/01 cho đến hết ngày 30/6.
Báo cáo thống kê năm được tính bắt đầu từ ngày 01/01 cho đến hết ngày 31/12. Riêng báo cáo thống kê áp dụng đối với Ngành giáo dục báo cáo năm được tính theo năm học.
Báo cáo đột xuất: Báo cáo thống kê trong trường hợp khi có sự vật, hiện tượng đột xuất xảy ra, thiên tai...
Các báo cáo thống kê được thực hiện bằng 2 hình thức: Bằng giấy (văn bản) và qua hệ thống phần mềm chế độ báo cáo điện tử. Báo cáo bằng văn bản phải có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng đơn vị để thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu, xử lý số liệu.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương