Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo dự thảo, Quy chế này áp dụng đối với các trường, lớp dành cho người khuyết tật (tương ứng gọi là Trường chuyên biệt, Lớp chuyên biệt) và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường chuyên biệt là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cho một số đối tượng học sinh khuyết tật cần các yêu cầu giáo dục đặc biệt theo phương thức giáo dục chuyên biệt với mục tiêu bảo đảm quyền được tham gia giáo dục bắt buộc và phổ cập giáo dục, từ đó mở ra cơ hội học tập và học tập suốt đời đối với các học sinh này.
Trường chuyên biệt có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trường chuyên biệt được thành lập mới hoặc Trường chuyên biệt được tổ chức lại và hoạt động sau khi Thông tư này có hiệu lực do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Trường chuyên biệt được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.
Trường chuyên biệt công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu. Trường chuyên biệt tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Lớp chuyên biệt là lớp học của học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt được tổ chức cùng với các lớp học sinh khác trong các trường mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi chung là nhà trường) trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trường chuyên biệt có nhiệm vụ, quyền hạn như một cơ sở giáo dục phổ thông tương ứng với cấp học và loại hình mà Trường chuyên biệt đó được phép tổ chức hoạt động giáo dục.
Ngoài ra, Trường chuyên biệt còn có các nhiệm vụ, quyền hạn khác, cụ thể như sau:
a) Xây dựng kế hoạch trình các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp tổ chức các hoạt động can thiệp về y tế, phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật của nhà trường.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác về giáo dục học sinh khuyết tật: can thiệp giáo dục sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập khi được cấp có thẩm quyền giao. Khi giao nhiệm vụ, cấp có thẩm quyền cần xác định rõ và bảo đảm các điều kiện để Trường chuyên biệt triển khai nhiệm vụ.
c) Được khuyến khích hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước huy động các nguồn lực về chuyên môn hoặc tài chính để hỗ trợ thực hiện các hoạt động giáo dục đối với học sinh khuyết tật theo quy định của pháp luật.
d) Được tiếp nhận các khoản viện trợ phục vụ cho công tác giáo dục người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
đ) Được tổ chức bán trú, nội trú phục vụ học sinh khuyết tật.
Dự thảo nêu rõ, lớp chuyên biệt có quyền hạn, nhiệm vụ như các lớp học khác tương ứng trong trường mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Căn cứ vào lứa tuổi, nhu cầu học tập và năng lực học tập của học sinh khuyết tật và khả năng đáp ứng của nhà trường, học sinh khuyết tật trong Trường chuyên biệt được phân chia phù hợp vào các lớp học.
Mỗi lớp học sinh trong Trường chuyên biệt, mỗi Lớp chuyên biệt có không quá 12 học sinh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh