Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, gồm: Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản (Nghị định 103/2013/NĐ-CP); Nghị định 114/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Nghị định 114/2013/NĐ-CP); Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (Nghị 119/2013/NĐ-CP); Nghị định 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt, bão (Nghị định 139/2013/NĐ-CP); Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Nghị định 157/2013/NĐ-CP).
Vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và Luật Phòng, chống thiên tai, vì vậy, Nghị định 114/2013/NĐ-CP và Nghị định 139/2013/NĐ-CP đã được tiến hành sửa đổi, bổ sung riêng để đảm bảo phù hợp với nội dung mới của hai luật này. Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 114/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã trình Chính phủ xem xét. Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2013/NĐ-CP đang trong quá trình sửa đổi.
Đối với 3 nghị định (Nghị định 103/2013/NĐ-CP, Nghị định 119/2013/NĐ-CP, Nghị định 157/2013/NĐ-CP), qua gần hai năm triển khai thực hiện, các nghị định này đã giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành các nghị định cũng gặp những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung như: Thiếu các hành vi tại các nghị định xử phạt; chưa phân định rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; một số hành vi có mức phạt chưa đảm bảo tính hợp lý hoặc chưa thống nhất mức phạt giữa các văn bản khác nhau về cùng một nội dung…
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đảo bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự 2015, Luật Thú y, Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan khác; góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và bảo đảm thi hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Dự thảo gồm 5 điều. Trong đó, Điều 1 đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; Điều 2 đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; Điều 3 đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn