Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT.
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về một số nội dung và mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT như sau:
Về chi tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT: dự thảo đề xuất bổ sung các trường hợp tuyên truyền cụ thể theo đề xuất của BHXH Việt Nam, bổ sung các hình thức tuyên truyền như: tọa đàm, đối thoại, giải đáp, tư vấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi tổ chức hội nghị tri ân, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN, BHYT; giải đáp, tư vấn chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT qua hệ thống chăm sóc khách hàng, cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Về chi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, dự thảo đề xuất bổ sung quy định đối tượng chi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về BHXH, BHTN, BHYT cho công chức, viên chức, người lao động; đơn vị sử dụng lao động, cơ sở y tế ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Về chi cải cách hành chính BHXH, BHTN, BHYT, dự thảo đề xuất bổ sung một số nội dung chi cho phù hợp với thực tế phát sinh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao chất lượng công tác thu, chi và quản lý đối tượng, như: (i) Chi áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đối với toàn bộ hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính; (ii) Chi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; (iii) Chi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; (iii) Chi hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động ngành bảo hiểm xã hội được cử đến Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện (khoán công tác phí, chi phí khác liên quan).
Về chi phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng chế độ BHXH, BHTN, BHYT, dự thảo đề xuất bổ sung nội dung chi cho phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng chế độ, như: (i) Chi cập nhật, bổ sung, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, gồm: tạo lập, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu, thông tin người tham gia, người hưởng; (ii) Chi khoán kinh phí tự túc phương tiện (gồm tiền nhiên liệu, khấu hao xe và chi phí gửi xe) đối với công chức, viên chức, người lao động thường xuyên phải đi đến đơn vị sử dụng lao động, khu dân cư để xác minh, đối chiếu danh sách người tham gia, người hưởng mà tự túc bằng phương tiện cá nhân và không thuộc phạm vi thanh toán chế độ công tác phí theo quy định, mức khoán tối đa không quá 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng; (iii) chi hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn bằng 7.000 đồng/người tính theo danh sách tăng, giảm đối tượng (bằng mức được Thủ tướng Chính phủ quyết định tại các Quyết định giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT hằng năm từ năm 2018 đến nay); (iv) chi cho Tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền thực hiện xác minh thông tin đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân (gồm: chi phí in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, báo cáo, thù lao cho người xác minh). Mức chi 30.000 đồng/người hưởng (đương đương chi phí chuyển hồ sơ theo quy định của bưu điện và chi phí văn phòng phẩm).
Đối với chi đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thuê, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin như: (i) Chi đầu tư phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật về đấu thầu; (ii) chi nâng cấp, cải tạo, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thuê, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện theo quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công và quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật liên quan; (iii) Chi ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Về chi tổ chức thu, chi trả BHXH, BHTN, BHYT, dự thảo đề xuất bổ sung nội dung chi phí ủy quyền thu BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã và cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam (gồm: tư vấn trực tiếp đối với từng doanh nghiệp và người lao động, tuyên truyền, phát triển đối tượng, thu tiền và nộp tiền đã thu cho cơ quan BHXH), tương tự ngành Thuế ủy quyền cho tổ chức dịch vụ thu hộ đối với hộ kinh doanh cá thể. Mức chi tối đa 4% đối với đối tượng tham gia năm đầu, tối đa 1,65% đối với đối tượng tiếp tục tham gia từ năm thứ hai trở đi trên số tiền thực thu. Mức ủy quyền thu cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tiêu chí lựa chọn, điều kiện lựa chọn tổ chức dịch vụ thu và tổ chức ký hợp đồng ủy quyền với tổ chức dịch vụ thu do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định phù hợp với tình hình thực tế của từng tỉnh, thành phố.
Không cần thiết quy định tỷ lệ chi trả qua tài khoản cá nhân và chi trả bằng tiền mặt
Đối với mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng do ngân sách nhà nước đảm bảo bảo; chi lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHXH, BHTN, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản tăng lên (trung bình tăng 9,3%/năm) dẫn đến chi phí chi trả có xu hướng giảm do chi phí chi trả qua tài khoản giảm so với chi trả bằng tiền mặt (do giảm chi phí thuê địa điểm chi trả, thuê bảo vệ, thuê xe chở tiền, bảo quản tiền, gửi tiền qua đêm,...) nhưng phát sinh chi phí quản lý người hưởng do người hưởng thay đổi địa bàn, cần quy định mức riêng cho hình thức chi trả qua tài khoản và chi trả bằng tiền mặt.
Sau khi rà soát, Bộ Tài chính xác định mức chi trả tối đa bằng bằng 0,54%, giảm 0,11% so với quy định tại Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg (0,65%). Mức chi cho tổ chức dịch vụ chi trả và quản lý người hưởng qua tài khoản khoảng 0,19% tổng số tiền chi trả qua tài khoản cá nhân, chi phí chi trả bằng tiền mặt bình quân tối đa là 0,73% số tiền chi trả bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện nay cùng với quá trình hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo Đề án 06, BHXH Việt Nam đang xây dựng lộ trình kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin của ngành BHXH với các cơ quan công an, tư pháp... Theo lộ trình đó, việc chi trả các chế độ BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt sẽ chuyển dần từ tổ chức dịch vụ như hiện nay sang cơ quan BHXH thực hiện, đồng thời quy trình quản lý người hưởng nhận tiền qua tài khoản cá nhân sẽ thay đổi để phù hợp với quy trình chi trả. Vì vậy, không cần thiết quy định tỷ lệ chi trả qua tài khoản cá nhân và chi trả bằng tiền mặt. Việc giao Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định mức chi cho tổ chức dịch vụ theo từng hình thức chi trả và quản lý người hưởng trong tổng mức chi phí được trích (bằng 0,54% số tiền chi trả) đã đảm bảo cơ chế cho BHXH Việt Nam được chủ động trong tổ chức thực hiện, phù hợp với lộ trình ứng dụng Đề án 06 trong công tác chi trả và quản lý người hưởng tại từng thời kỳ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương