• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đề xuất sửa quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

(Chinhphu.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP.

10/02/2025 16:53
Đề xuất sửa quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Tăng cường vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu khôi phục sản xuất của nền kinh tế

NHNN cho biết, đầu tư tín dụng của hệ thống ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển khu vực này, thông qua việc đảm bảo đáp ứng được các nhu cầu sản xuất nông nghiệp từ sản xuất đến thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đến nhu cầu cho tiêu dùng của người dân tại khu vực nông thôn, góp phần tích cực hỗ trợ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp qua các năm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới; đồng thời, tạo điều kiện khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến cơ chế chính sách (về tài sản bảo đảm, mức cho vay,…); cũng như yêu cầu thực tế đặt ra về mở rộng phạm vi ưu đãi đối với các đối tượng mới trong nông nghiệp như nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn… để phù hợp với xu thế phát triển mới của ngành theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất nông nghiệp hiện nay  

Bên cạnh đó, yêu cầu thực tế sửa đổi, bổ sung chính sách để tháo gỡ khó khăn, mở rộng tín dụng phục hồi sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 (Yagi). Cơn bão số Yagi xảy ra tháng 9/2024 đã tác động tiêu cực, nặng nề đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh tại 26 tỉnh, thành phố và tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung; trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại ước tính lên tới 31 nghìn tỷ đồng (chiếm 38% tổng thiệt hại về kinh tế); đã đặt ra yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp giúp người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh; trong đó có giải pháp tăng cường vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu khôi phục sản xuất của nền kinh tế. 

Theo NHNN, mục đích xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình, nhu cầu vốn cho sản xuất nông nghiệp hiện nay và tiếp tục phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống trong thời gian tới (thông qua việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số đối tượng và mở rộng phạm vi ưu đãi đối với các đối tượng mới trong nông nghiệp như nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn…); thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; góp phần triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão.

Sửa đổi quy định về nguyên nhân khách quan, bất khả kháng

Tại dự thảo, NHNN đề xuất sửa đổi khoản 12 Điều 3 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP quy định về nguyên nhân khách quan, bất khả kháng bao gồm:

- Các nguyên nhân xảy ra làm thiệt hại đến vốn, tài sản của dự án hoặc phương án vay vốn: các loại thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; các dịch bệnh, dịch hại theo quy định của pháp luật về dịch bệnh, dịch hại (tại Nghị định này gọi chung là dịch bệnh); hỏa hoạn;

- Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị cấm, bị hạn chế theo quy định của pháp luật; khách hàng phải thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.".

Lý do sửa đổi được NHNN đưa ra là: Quy định cụ thể nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để việc áp dụng chính sách giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ theo Nghị định được rõ ràng, dễ thực hiện. Các nguyên nhân này được quy định tương tự như quy định về nguyên nhân khách quan được xem xét xử lý rủi ro theo Quyết định 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đảm bảo phù hợp với đặc thù, điều kiện áp dụng chính sách xử lý rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bổ sung quy định về thời điểm xảy ra thiệt hại, số dư nợ bị thiệt hại

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về thời điểm xảy ra thiệt hại, số dư nợ bị thiệt hại, thời điểm bắt đầu khoanh nợ. Cụ thể, bổ sung khoản 14 vào Điều 3 quy định thời điểm xảy ra thiệt hại là ngày đầu tiên trong khoảng thời gian xảy ra nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định tại khoản 12 Điều 3 và được xác định theo một trong các căn cứ sau: 

Đối với trường hợp thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng: Văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối với trường hợp nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khác: Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về ngày xảy ra thiệt hại do thiên tai gây ra đối với trường hợp thiên tai; văn bản công bố dịch bệnh theo quy định pháp luật về dịch bệnh, thú y, bảo vệ kiểm dịch thực vật đối với trường hợp dịch bệnh; xác nhận của cơ quan phòng cháy và chữa cháy về hỏa hoạn đối với trường hợp hỏa hoạn; ngày có hiệu lực của văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi chính sách đối với trường hợp thay đổi chính sách.

Bên cạnh đó, bổ sung khoản 15, 16, 17 vào Điều 3 quy định khái niệm số dư nợ bị thiệt hại của một tài sản, số dư nợ bị thiệt hại của khách hàng vay vốn, văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Lý do sửa đổi là do căn cứ thực tế xử lý các hồ sơ đề nghị khoanh nợ trong thời gian qua (khoanh nợ do đợt rét đậm, rét hại tháng 1/2016 tại Bắc Kạn; do thiên tai lũ lụt tháng 11/2016 tại Phú Yên; do cơn bão số 12 tháng 11/2017 tại Phú Yên, Khánh Hòa; do thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu), NHNN thấy cần quy định rõ hơn về thời điểm xảy ra thiệt hại, số dư nợ bị thiệt hại, thời điểm bắt đầu khoanh nợ, văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khoanh nợ, đảm bảo người dân được hỗ trợ kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Sửa đổi về mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình

Tại dự thảo, NHNN đề xuất sửa đổi về mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại tại khoản 2 Điều 9. Cơ chế bảo đảm tiền vay như sau:

- Tối đa 300 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình;

- Tối đa 500 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;

- Tối đa 03 tỷ đồng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại.

Theo NHNN, việc sửa đổi trên để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của từng đối tượng khách hàng (trên cơ sở kết quả khảo sát, làm việc thực tế tại một số địa phương trong quá trình tổng kết chính sách). Theo đó, mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 9 được tăng từ mức 100-200 triệu đồng lên mức 300 triệu đồng; tổ hợp tác và hộ kinh doanh tại điểm d được tăng từ mức 300 triệu đồng lên mức 500 triệu đồng (bằng với mức tại điểm đ); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tại các điểm e, g được tăng từ mức 01 - 03 tỷ đồng lên mức 03 tỷ đồng (bằng với mức tại điểm h). Sau mức nâng nêu trên, các điểm sau được được gộp chung thành 01 điểm: gộp điểm a, b, c (mức 300 triệu đồng); gộp điểm d, đ (mức 500 triệu đồng); gộp điểm e, g, h (mức 03 tỷ đồng).

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển