Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng) do chủ đầu tư dự án sản xuất phim thành lập theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 Luật Điện ảnh.
Theo đó, Hội đồng có chức năng, nhiệm vụ: Thẩm định các Hồ sơ dự án sản xuất phim để tư vấn cho Chủ đầu tư quyết định lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, lựa chọn phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật. Thẩm định dự toán chi phí sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để tư vấn cho chủ đầu tư phê duyệt đối với dự án sản xuất phim thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ.
Đồng thời, thẩm định phương án giá đặt hàng để đề xuất cấp có thẩm quyền quy định giá tối đa, giá cụ thể theo pháp luật về giá đối với dự án sản xuất phim thực hiện theo phương thức đặt hàng. Thẩm định, đánh giá tổng thể phương án sản xuất phim do nhà thầu sản xuất phim gửi đến và lập báo cáo kết quả đánh giá, thẩm định lựa chọn nhà thầu để tư vấn cho chủ đầu tư đối với dự án sản xuất phim thực hiện theo phương thức đấu thầu.
Dự thảo quy định, chủ đầu tư xem xét quyết định thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc hoặc quyết định điều chỉnh nhân sự tham gia Hội đồng và Tổ giúp việc. Các thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng, dự thảo đề xuất: Hội đồng có từ 05 thành viên trở lên, bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Ủy viên. Hội đồng gồm đại diện của Chủ đầu tư (cơ quan tham mưu quản lý về tài chính, quản lý chuyên ngành điện ảnh), Cơ quan quản lý dự án, chuyên gia về sản xuất phim.
Trường hợp đại diện Cơ quan quản lý dự án đồng thời là chuyên gia về sản xuất phim thì không cần chuyên gia về sản xuất phim riêng biệt. Tùy thuộc vào từng dự án sản xuất phim cụ thể, Chủ tịch Hội đồng có thể xem xét mời bổ sung các chuyên gia là người không liên quan trực tiếp đến dự án sản xuất phim đang được xem xét lựa chọn tham gia Hội đồng theo hình thức vụ việc.
Cơ cấu tổ chức của Tổ giúp việc gồm: đại diện cơ quan tham mưu quản lý tài chính, quản lý chuyên ngành của Chủ đầu tư, Cơ quan quản lý dự án và chuyên gia sản xuất phim (nếu cần).
Trường hợp sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước thường xuyên hàng năm, nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng là 02 năm. Trường hợp sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước theo vụ việc, không thường xuyên theo năm thì chủ đầu tư thành lập Hội đồng theo vụ việc và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận dân chủ, công khai, quyết định theo đa số để đánh giá, thẩm định và tư vấn cho chủ đầu tư lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước. Các thành viên có quyền bảo lưu ý kiến khác (nếu có) nhưng phải tuân thủ kết luận của Hội đồng. Hội đồng tổ chức họp sau khi Tổ giúp việc hoàn thành làm việc về mặt chuyên môn và có Báo cáo thẩm định dự án sản xuất phim.
Hội đồng họp phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự và lấy ý kiến bằng Phiếu thẩm định. Kết luận của Hội đồng phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tán thành và được thể hiện dưới hình thức Biên bản họp Hội đồng có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng.
Trường hợp thành viên Hội đồng vắng mặt tại cuộc họp Hội đồng 03 lần liên tiếp mà không có lý do chính đáng thì Chủ tịch Hội đồng kiến nghị Chủ đầu tư xem xét quyết định miễn nhiệm và cử người thay thế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Hoa Hoa