Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri tỉnh Đắk Lắk như sau:
Về việc quy định biên chế riêng cho lực lượng kiểm lâm để bố trí đủ số lượng công chức kiểm lâm, đáp ứng theo nhu cầu cần thiết của địa phương:
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, hệ thống tổ chức kiểm lâm ở địa phương gồm có:
(1) Cấp tỉnh: Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
(2) Cấp huyện: Hạt Kiểm lâm huyện hoặc liên huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm; kiểm lâm cấp huyện có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động của Trạm Kiểm lâm và Kiểm lâm làm việc tại địa bàn thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;
(3) Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thành lập theo quy định của pháp luật.
Biên chế công chức kiểm lâm tại các Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm (bao gồm các Trạm Kiểm lâm và Kiểm lâm làm việc tại địa bàn) nằm trong tổng biên chế công chức được giao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý biên chế, bảo đảm kinh phí, các điều kiện hoạt động của kiểm lâm và viên chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý theo quy định.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc địa phương lập kế hoạch biên chế công chức hằng năm hoặc điều chỉnh biên chế công chức; thẩm định kế hoạch biên chế công chức hằng năm hoặc điều chỉnh biên chế công chức của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý; tổng hợp và lập kế hoạch biên chế công chức hằng năm hoặc điều chỉnh biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ theo quy định; trình HĐND cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.
Theo quy định trên, biên chế công chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức hành chính thuộc Sở nằm trong tổng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao hằng năm của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát, tổng hợp yêu cầu thực tế, xây dựng kế hoạch biễn chế hằng năm của Sở (trong đó có biên chế công chức tại Hạt Kiểm lâm, bao gồm các Trạm Kiểm lâm và Kiểm lâm làm việc tại địa bản), trình UBND tỉnh thẩm định, tổng hợp, gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
Về việc xem xét có cơ chế, chính sách đãi ngộ về tiền lương, độ tuổi nghỉ hưu (50-55 tuổi, tương tự như lực lượng quân đội, công an):
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc, nghỉ hưu và được hưởng các chế độ theo quy định (theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật BHXH và các văn bản quy định, hướng dẫn có liên quan) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm được phân công.
Do tính chất và điều kiện làm việc khó khăn, kiểm lâm viên và đặc biệt là kiểm lâm địa bàn đã được Nhà nước cho hưởng nhiều chế độ, chính sách so với công chức khác, như phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp nặng nhọc độc hại và chế độ phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm của hoạt động kiểm lâm và của lực lượng quân đội, công an khác nhau nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có cơ sở xem xét tham mưu Chính phủ cho phép kiểm lâm địa bàn nghỉ hưởng chế độ như lực lượng quân đội, công an.
BT