Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của ông Định, tại TP. Hà Nội có những dự án đầu tư, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tính từ ngày gửi vào Cơ quan đăng ký đến ngày người dân, doanh nghiệp nhận được kết quả kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, có trường hợp do chờ đợi mà nhà đầu tư, doanh nghiệp đã từ bỏ ý định đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Về cơ chế của pháp luật hiện nay thì chưa thực sự khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính của Cơ quan đăng ký đầu tư, dẫn đến người dân, doanh nghiệp luôn là đối tượng thiệt thòi.
Do đó, ông Định kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ra một quy định và thiết lập cơ chế thống kê việc giải quyết hồ sơ từ ngày nộp vào đầu tiên của doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký.
Theo ông Định, việc này là cần thiết để cải thiện tình trạng Cơ quan đăng ký liên tục ra các văn bản thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung, gây chậm trễ cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao trách nhiệm hướng dẫn của cán bộ, công chức đối với các hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.
Mặc dù Chính phủ đã có quy định tại các Nghị định về việc Cơ quan đăng ký phải nêu toàn bộ các yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong một văn bản thông báo cho doanh nghiệp, nhưng thực tế việc Cơ quan đăng ký ra nhiều thông báo mà mỗi thông báo phát sinh thêm các vấn đề chưa nêu hết trong thông báo trước là phổ biến, phát sinh những bức xúc và nảy sinh những tiêu cực trong khi công tác thanh tra hành chính còn hạn chế, trong khi đó các báo cáo của Cơ quan đăng ký kinh doanh đều thể hiện tỷ lệ giải quyết hồ sơ trong thời hạn đạt tỷ lệ cao...
Trên cơ sở đó, ông Định đề nghị Chính phủ quan tâm, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về kiểm soát thủ tục hành chính, tiêu chí đánh giá, công cụ đánh giá thời gian hoàn tất hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp, trong đó nêu cao trách nhiệm của cán bộ phải hướng dẫn người dân để hoàn chỉnh hồ sơ một cách nhanh nhất, cho phép thời gian tối đa là 1 lần gửi bổ sung hồ sơ, vượt thời gian đó thì sẽ cho là không hoàn thành chỉ tiêu về thời hạn giúp doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; trách nhiệm của Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký đầu tư khi yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ; quyền của doanh nghiệp khi Cơ quan đăng ký kinh doanh không làm đúng quy định trong quá trình giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp… Cụ thể như sau:
Đối với hoạt động đăng ký đầu tư, các quy định về thủ tục đầu tư đã được quy định cụ thể tại các Mục 2, 3, 4, 5 (từ Điều 28 đến Điều 26) của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đối với hoạt động đăng ký kinh doanh, các quy định về trình tự, thủ tục đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và các Thông tư hướng dẫn thi hành.
Khoản 2, Điều 28 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP cũng đã quy định: “Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”.
Đồng thời, Khoản 3, Điều 28 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP (được sửa đổi tại Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ) quy định: “Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”.
Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 7 Luật Khiếu nại thì: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý của ông Nguyễn Văn Định trong quá trình nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới để hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và xã hội đối với Cơ quan đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.