Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Điều hành kịp thời và hợp lý
Đánh giá về phần chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng và phần trả lời làm rõ một số nội dung về quản lý thị trường vàng, công tác phối hợp điều hành giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chuyên gia tài chính- ngân hàng Doãn Hữu Tuệ cho rằng, việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Chính phủ trong thời gian qua là kịp thời và hợp lý.
Minh chứng cho đánh giá trên, chuyên gia Doãn Hữu Tuệ nêu ví dụ: Đối với các chính sách tiền tệ, để hỗ trợ phục hồi kinh tế, doanh nghiệp và người dân rất hoan nghênh khi NHNN đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay, đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai. Kết quả, đến nay có 35 ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 405 nghìn tỷ đồng, trong đó 300 nghìn tỷ đồng dành cho vay mới với lãi suất thấp để khôi phục sản xuất kinh doanh. Các khoản vay bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp và người dân ổn định tài chính.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã hoàn thiện khung pháp lý cho vay, tạo điều kiện cho các TCTD đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng và sử dụng nền tảng số để hỗ trợ cho vay vốn, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng, đặc biệt là các khoản vay nhỏ, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Các chương trình tín dụng chính sách cũng đã được tăng cường, trong đó, NHNN phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ sinh kế, như chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội (hiện nay gói tín dụng này đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như nông sản, thủy sản, xăng dầu…
Tuy nhiên, đối với chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, theo chuyên gia này, tại phiên chất vấn, như Thống đốc NHNN đã nhìn thẳng vào vấn đề, đó là do các quy định về việc UBND tỉnh phải công bố dự án cho vay và quan trọng nhất là người vay phải có khả năng trả nợ; trong khi người dân vừa trải qua những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai nên tỷ lệ giải ngân cho các chương trình này còn thấp.
Về phía các TCTD, công tác tổng hợp, rà soát khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão lụt gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Theo thống kê, số lượng khách hàng của các ngân hàng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 khá lớn (khoảng 192 nghìn khách hàng). Trong đó, nhiều khách hàng bị thiệt hại lớn (thậm chí thiệt hại toàn bộ) về tài sản hình thành từ vốn vay, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Nhiều khách hàng khó khăn từ dịch COVID-19, rồi lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên hầu như không có khả năng khắc phục, không đáp ứng các điều kiện vay mới, dẫn tới nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Trong bối cảnh đó, NHNN cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, gồm: Thời gian tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3; ban hành Thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của cơn bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3.
Về việc chống vàng hoá, không để vàng là mặt hàng đầu tư hấp dẫn, chuyên gia Doãn Hữu Tuệ tán thành câu trả lời của Thống đốc khi được hỏi "Vì sao NHNN chỉ bán vàng ra mà không mua vào? Khi người dân muốn bán ra thì không bán được? Vì sao lãi suất gửi USD bằng 0%, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay nước ngoài và phải chịu lãi suất? Vì sao chúng ta lại không vay đô la của chính người dân, nguồn kiều hối, khi lượng tiền này "chảy" về cũng rất đáng kể?".
Chuyên gia Doãn Hữu Tuệ cho rằng, việc Chính phủ đưa ra các giải pháp ở thời điểm vừa qua là phù hợp với thực tiễn. Như NHNN đã phân tích, từ năm 2014 đến 2019, thị trường vàng trong nước tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Song bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao khiến giá vàng trong nước tăng theo.
Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh. Trước khi NHNN tiến hành can thiệp, giá vàng dao động 2.300-2.400 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế thới cao khiến Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt. NHNN cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành để tổ chức đấu thầu. Qua 9 phiên đấu thầu cho thấy đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, tâm lý kỳ vọng của thị trường dâng lên cao.
Để thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, NHNN đã chuyển sang bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới từ 15-18 triệu đồng/lượng thì đến bây giờ chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến khó lường. Việt Nam không sản xuất vàng, như Thống đốc đã nhấn mạnh, việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng. Về phía mình, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách để ổn định thị trường vàng.
Liên quan đến bối cảnh và nhu cầu vàng gia tăng, trong khi NHNN cũng chưa đặt vấn đề mua lại vàng, Thống đốc cũng đã nêu rõ, các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. Hiện nay, hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua- bán vàng miếng. Ngân hàng và các doanh nghiệp này vẫn được mua- bán vàng bình thường. Doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì cần cân đối dòng tiền.
Cũng liên quan đến thị trường vàng, lãnh đạo NHNN đã nêu rõ, giá vàng đang là vấn đề đau đầu của thế giới. Trước khi NHNN tiến hành can thiệp vào thị trường vàng, giá vàng thế giới mới từ 2300-2440$/ounce. Tuy nhiên, hiện nay giá vàng đã vượt trên 2700$/ounce. Giá vàng vẫn tăng do những biến động từ yếu tố khách quan, NHNN cần tiếp tục theo dõi để điều hành chính sách tiền tệ.
Giải pháp căn cơ là cùng với các bộ ngành tổng kết lại Nghị định 24 để có giải pháp phù hợp. Về lâu dài, chủ trương chống vàng hoá, làm sao để vàng không là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. Để giải quyết vấn đề tích luỹ vàng theo tâm lý Á Đông, cần phải có những giải pháp cung ứng phù hợp.
Chuyên gia tài chính- ngân hàng Doãn Hữu Tuệ khẳng định, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế. Do đó, khi nền kinh tế biến động tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống các TCTD, ngân hàng, ngân sách của Nhà nước và việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Ông Tuệ cho rằng, thời gian qua, việc phối hợp giữa công tác điều chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với chính sách tài khoá mở rộng là hợp lý. Chính điều này tạo động lực cho nền kinh tế, khi chỉ 4 năm qua thu ngân sách Nhà nước vượt 1 triệu tỷ đồng và thu ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Cùng với chính sách giảm thuế phí gần 1 triệu tỷ đồng, trong điều kiện bình thường, chúng ta thu thêm được gần 2 triệu tỷ đồng.
Theo con số của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 11/11, thu ngân sách Nhà nước đạt 99,4% so với dự toán được Quốc hội giao và đạt 17,78% so với cùng kỳ năm trước, tăng 255.216 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm, thu ngân sách Nhà nước vượt tối thiểu vượt 300 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho nền kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. "Đây là con số rất đáng mừng", ông Tuệ nhận định.
Đề xuất về giải pháp để quản lý giá vàng trong thời gian tới, ông Tuệ hoàn toàn nhất trí với ý kiến mà Phó Thủ tướng đưa ra tại phiên trả lời, đó là cần mua bán minh bạch; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thị trường vàng; chống buôn lậu mạnh mẽ; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sửa đổi Nghị định 24 và thúc đẩy nguồn vốn phát triển.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thời gian tới chúng ta cần nguồn vốn rất lớn để phát triển hạ tầng. Do đó, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và vốn ODA, chúng ta cần huy động nguồn vốn từ trong dân để phát triển hạ tầng, hỗ trợ nền kinh tế để GDP tăng thêm vài nghìn tỷ trong thời gian tới.
Giang Oanh