Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Anh Đức |
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị, trong phần “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm nhìn lại”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, trong văn kiện mới chỉ đánh giá 30 năm trước so với 30 năm sau mà không có so sánh với các nước trong khu vực xem chúng ta phát triển hay tụt hậu để có chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Về mục tiêu, nhiệm vụ trong dự thảo văn kiện, ông Phạm Ngọc Hưng và nhiều đại biểu tán thành việc đưa nguy cơ tụt hậu lên số 1 trong 4 nguy cơ, đồng thời cho rằng văn kiện cần phân tích rõ hơn về mục tiêu tổng quát và 12 mục tiêu cụ thể cũng như đưa việc nhanh chóng minh bạch hóa thị trường, cổ phần hóa triệt để DN Nhà nước vào văn kiện.
Đối với việc đổi mới mô hình tăng tưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, theo ông Phạm Ngọc Hưng, việc đánh giá trong dự thảo văn kiện còn chung chung, còn nhiều từ chưa cụ thể, như từng bước, bước đầu, đã có nhiều thay đổi, mức độ,..
Bên cạnh đó, dự thảo văn kiện cần đánh giá năng lực các DN trong nước, trong quá trình hội nhập, nhất là khả năng cạnh tranh của DN tới đâu.
Theo ông Hưng, chúng ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng lại thiếu chiến lược phát triển cho các DN trong nước. Trong khi đó, thời gian gần đây, để đón đầu Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp hội, DN Thái Lan đã liên tục sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, hợp tác kinh doanh với các DN Việt. Trong khi đó còn nhiều DN trong nước vẫn chưa có chiến lược vụ thể gì khi mà tiến trình hội nhập ngày càng đến gần.
Các đại biểu cũng cho rằng định hướng đến năm 2020 Việt Nam là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tuy nhiên, chúng ta mới định hướng chứ chưa định lượng.
Góp ý về vấn đề này, bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội DN An Giang cho rằng, trong văn kiện, mục tiêu đề ra là Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên trong 15 chỉ tiêu đề ra, văn kiện lại dự kiến không đạt tới 10 chỉ tiêu như GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp chế tạo và tỉ trọng nông nghiệp trong GDP, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỉ lệ đô thị hoá. Nếu dự kiến như vậy, theo bà Đẹp và các đại biểu tham dự hội nghị, Việt Nam mới cơ bản bước tới “cái nền” của công nghiệp hóa.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, dự thảo văn kiện cần nâng cao vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân (chiếm tới khoảng 42% GDP) trong nền kinh tế chứ không chỉ xem là động lực quan trọng.
Luật sư Nguyễn Văn Bình, Văn phòng Luật sư Thành Trung cho rằng, nếu coi kinh tế tư nhân là chủ đạo thì đây sẽ là “luồng gió mới” từ văn kiện có tính hiệu triệu được toàn dân.
Lê Anh