Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia tại hội thảo "Giải pháp số để tham vấn chính sách và đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh" do Văn phòng Chính phủ tổ chức tại TPHCM chiều ngày 17/8.
Hội thảo giới thiệu 2 nội dung, gồm: Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh và Bộ công cụ đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh.
Chủ trì hội thảo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh là công cụ hỗ trợ cải cách, bảo đảm thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó trọng tâm là cải cách quy định TTHC; yêu cầu, điều kiện; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chế độ báo cáo trong các hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, khai thác dữ liệu quy định kinh doanh và huy động người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vào cải cách các quy định kinh doanh.
TS. Tạ Minh Lý, chuyên gia tư vấn dự án USAID LinkSME kỳ vọng việc xây dựng Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh sẽ thu hút được hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia quá trình tham vấn chính sách, đồng hành với Chính phủ trong cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Qua rà soát trên các trang thông tin góp ý về văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và các kênh thông tin điện tử tham vấn chính sách hiện nay, TS. Tạ Minh Lý cho biết rất ít doanh nghiệp tương tác. Nguyên nhân khách quan do hệ thống văn bản rất lớn và phức tạp, để nghiên cứu góp ý cần rất nhiều thời gian. Nhưng phần lớn do doanh nghiệp chưa có ý thức, nhận thức về trách nhiệm tham vấn chính sách.
"Tôi đã đọc tất cả các cổng này thì chỉ có một Nghị định về thuế của Bộ Tài chính có 2-3 ý kiến, còn lại hoàn toàn không thấy có ý kiến tương tác. Sự tham gia của doanh nghiệp trong tham vấn xây dựng pháp luật rất ít, trong khi tỉ trọng đóng góp vào GDP đất nước từ cộng đồng doanh nghiệp chiếm đến 60%", bà Lý cho biết. Rà soát 100 văn bản trên các cổng thông tin bộ, ngành thì chuyên gia này chỉ thấy có 2 văn bản có phản hồi nhưng ở mức độ xác nhận "không hoặc có tiếp thu".
Theo TS. Tạ Minh Lý, trách nhiệm xã hội lớn nhất của doanh nghiệp là tham gia tham vấn, xây dựng chính sách pháp luật, làm cho chính sách có tính khả thi, hợp lý và điều đó sẽ tác động rất lớn đến xã hội và phát triển kinh tế.
Bà Lý đề xuất Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh nên cấp tài khoản truy cập theo danh mục tên của các hiệp hội doanh nghiệp và thậm chí là từng doanh nghiệp. Các ý kiến đóng góp và kết quả giải quyết, phản hồi sẽ hiển thị công khai trên Cổng.
"Có như vậy thì các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp có thể hy vọng tiếng nói của họ sẽ được đến với Chính phủ, đến với các bộ, ngành và sẽ được đưa ra bàn bạc, nghiên cứu. Nhưng doanh nghiệp phải lên tiếng thì những vấn đề vướng mắc trong các quy định kinh doanh mới được rà soát, đơn giản hóa, được tái cấu trúc theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp", bà Lý chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cho biết hiện có khoảng 20.000 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Để thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình tham vấn chính sách thì phải thực hiện ngay khi bắt đầu khởi thảo một quy định kinh doanh. Doanh nghiệp có thể chủ động tham gia vào quá quà trình này mà không cần đợi đến khi cơ quan soạn thảo gửi ý kiến tham vấn.
Theo ông Trung, trên Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh, doanh nghiệp nên đăng ký những lĩnh vực mình quan tâm và khi có những thông tin liên quan thì hệ thống sẽ gửi thông báo cho doanh nghiệp. Khi đó, góp ý của doanh nghiệp, nếu có, sẽ được gửi thẳng đến cơ quan soạn thảo. Toàn bộ quá trình được công khai lưu vết trên Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh.
"Thực hiện được như vậy thì tôi tin việc chuyển đổi số trong tham vấn chính sách và đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh sẽ thành công. Vấn đề là chúng ta -doanh nghiệp- có tham gia, có tương tác vào quá trình này không", ông Trung lưu ý. Ngoài ra, toàn bộ quá trình tương tác, phản hồi giữa doanh nghiệp và cơ quan soạn thảo sẽ được đánh giá, xếp hạng như một chỉ số về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đây chính là công cụ để đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của từng bộ, ngành.
Hiện nay, chúng ta đang đặt ra mục tiêu mỗi năm cắt giảm 10% các quy định kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thế Trung, nếu các hiệp hội, doanh nghiệp có ý kiến phản hồi kịp thời thì hệ thống xử lý dữ liệu có thể tính toán được nhu cầu của xã hội đang mong muốn cắt giảm 10% ở những quy định nào.
"Nếu chúng ta chỉ cơ học cắt giảm 10% thì không hiệu quả cho xã hội. Nhưng khi doanh nghiệp phản hồi cụ thể là muốn cắt quy định này và nhiều hiệp hội, nhiều doanh nghiệp cùng tập trung vào một quy định như vậy thì trên Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh, từ cấp chuyên viên của đơn vị đến lãnh đạo Chính phủ đều nhìn thấy quy định nào nằm trong diện 10% phải cắt giảm ngay. Đó mới là cách làm hiệu quả thực tế cho xã hội", ông Trung phân tích.
Theo ông Ngô Hải Phan, những góp ý của các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo là cơ sở cho việc nâng cấp các giải pháp về thể chế, hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng quy định về Cổng Tham vấn và Tra cứu những quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ông Phan cho rằng, đây là cách tiếp cận mới, thể hiện mong muốn, quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Băng Tâm