Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trường Đại học Tôn ĐứcThắng |
Mục tiêu chung của Đề án là Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Trường) chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của Trường và xã hội (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) để phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành một trường đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng ở trong khu vực và trên thế giới; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của Trường.
Thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện
Mục tiêu cụ thể của Đề án là thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, trên cơ sở thực trạng hoạt động của Trường trong thời gian qua nhằm tăng cường sự chủ động, nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tài chính và nhân sự cho Trường; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức của Trường; bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp theo cam kết với xã hội; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; tiếp tục phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất của Trường.
Tăng cường các nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ và triển khai chuyển giao kết quả nghiên cứu; chú trọng việc cải thiện và nâng cao đời sống, thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động của Trường; thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập và các chính sách hỗ trợ sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận với các chương trình đào tạo của Trường; phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Trường; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và đào tạo theo đặt hàng.
Xây dựng phương án tuyển sinh riêng
Theo nội dung đổi mới hoạt động, Trường sẽ xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; bảo đảm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đáp ứng các điều kiện theo quy định; chủ động mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của Trường, đáp ứng nhu cầu xã hội; mở các chương trình đào tạo nghiệp vụ, trình độ trung cấp, dạy nghề theo nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng thời, xây dựng phương án tuyển sinh riêng phù hợp với yêu cầu, lộ trình của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và yêu cầu của xã hội; tự chủ trong nghiên cứu khoa học; tự chủ liên kết đào tạo (có cấp bằng), nghiên cứu khoa học, công nghệ và triển khai với đối tác trong nước và quốc tế...
Về học phí, Trường sẽ thu học phí ổn định theo kế hoạch nêu trong Đề án với mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/người học/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 14,95 triệu đồng/người học/năm và đến năm học 2016-2017 là 17,2 triệu đồng/người học/năm.
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, trong đó có giáo dục đại học thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp, song nhận thức chung cho thấy việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đặc biệt, qua thực tiễn thực hiện tự chủ của một số trường đại học với nhiều mô hình thành công và kết quả bước đầu rất đáng hoan nghênh cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã khẳng định đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn.
Phương Nhi