• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đổi mới, linh hoạt, sáng tạo công tác ngoại giao văn hóa

(Chinhphu.vn) - Ngoại giao văn hóa thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phục vụ phát triển đất nước; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

17/12/2022 10:39
Đổi mới, linh hoạt, sáng tạo công tác ngoại giao văn hóa - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Các quốc gia ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa, chú trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa đi đôi với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ "phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước".

Công tác ngoại giao văn hóa được đánh dấu bước ngoặt lớn khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14/02/2011 về việc phê duyệt Chiến lược đến năm 2020, trong đó xác định năm biện pháp lớn của ngoại giao văn hóa: Mở đường; xúc tác quan hệ giữa các nước; quảng bá hình ảnh Việt Nam; vận động các danh hiệu thế giới với Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước. Đây là chiến lược ngoại giao văn hóa đầu tiên của cả nước để triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó có lĩnh vực văn hoá theo tinh thần của Đại hội XI, là cơ sở lý luận và nền tảng quan trọng đối với công tác ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020.

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 "Thể chế, chính sách và ngoại giao cho phát triển văn hóa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, tình hình mới đòi hỏi công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao văn hóa nói riêng phải đổi mới, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp triển khai, kết hợp chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế để đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển và nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế.

5 phương hướng triển khai công tác ngoại giao văn hóa

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, thời gian tới cần xác định 5 phương hướng triển khai công tác ngoại giao văn hóa:

Thứ nhất, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế. Cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa cần được định hướng để tiếp tục đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước, để thế giới hiểu đúng đắn và đầy đủ về Việt Nam, từ đó tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của tất cả các quốc gia, dân tộc và nhân dân thế giới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hoá tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; trong đó tiếp tục đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam và UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, tranh thủ tối đa các nguồn lực thông qua hợp tác với UNESCO để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác quốc tế như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin, bên cạnh lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Thứ ba, tiếp tục quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là tri thức, công nghệ và đầu tư, cho phát triển kinh tế-xã hội. Tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách bảo vệ nền văn hóa dân tộc khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.

Thứ tư, tiếp tục vận động mới các danh hiệu UNESCO cho các di sản văn hóa Việt Nam, qua đó giúp huy động nguồn lực cho phát triển bền vững ở các địa phương; đồng thời tích cực bảo vệ và phát huy các di sản, danh hiệu đã được quốc tế công nhận…

Thứ năm, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại qua đó đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời chủ động bảo vệ các giá trị, nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước.

Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ngoại giao văn hóa

Để thực hiện những mục tiêu và phương hướng trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ngoại giao văn hóa: Đặc biệt, trong giai đoạn tới, do sự biến chuyển nhanh chóng của bối cảnh khách quan và các yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra, cần tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định không còn phù hợp, bổ sung các quy định còn thiếu; cụ thể: Điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan tới quảng bá quốc gia trên môi trường mạng; xác định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về truyền thông và quảng bá quốc gia; tiếp tục hoàn thiện Quy chế tổ chức Tuần/ngày Việt Nam ở nước ngoài…

Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận về ngoại giao văn hóa và nâng cao chất lượng tham mưu chính sách: Về mặt lý luận, các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và nội hàm của công tác ngoại giao văn hóa đã được xác định khá cụ thể và thường xuyên được cập nhật trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả công tác ngoại giao văn hóa nói riêng và kết quả quảng bá quốc gia nói chung còn gặp nhiều khó khăn do thiếu một bộ tiêu chí đánh giá thống nhất. 

Bên cạnh đó, những xu thế mới xuất hiện tại Việt Nam như: Ngoại giao công chúng, ngoại giao số, vai trò lớn hơn của truyền thông và của doanh nghiệp trong sức mạnh tổng hợp quốc gia… đã đặt ra yêu cầu không ngừng cập nhật diễn biến mới, hoàn thiện cơ sở lý luận về ngoại giao văn hóa. 

Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khung, làm chuẩn cho việc đánh giá chính xác hiệu quả của hoạt động ngoại giao văn hóa và công tác quảng bá cả ở cấp địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia.

Mặc khác, cần tăng cường cơ chế phối hợp trong việc triển khai ngoại giao văn hóa, cần huy động sự tham gia của cả Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, trong đó có sự phân vai rõ ràng. 

Tăng cường nguồn lực cho ngoại giao văn hóa

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng cho rằng cần phải tăng cường nguồn lực cho ngoại giao văn hóa. Về nguồn lực tài chính, cần tính tới việc Nhà nước dành nguồn ngân sách thích đáng cho công tác ngoại giao văn hóa, kết hợp với sự đóng góp của các đối tác khác.

Bên cạnh đó, có thể nhân rộng mô hình "Nhà nước bảo trợ, tư nhân triển khai" trong các hoạt động ngoại giao văn hóa. Về nguồn lực con người, để đáp ứng yêu cầu trước mắt và cả trong dài hạn, cần sử dụng rộng rãi hơn hệ thống cộng tác viên là các chuyên gia trong những lĩnh vực chuyên môn sâu để tham mưu, tư vấn về các vấn đề liên quan chuyên môn. Trong trung và dài hạn, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ ngoại giao văn hóa có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác này trong giai đoạn mới.

"Tới đây, cần có các kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao văn hóa, hướng tới mỗi cán bộ ngoại giao văn hóa không chỉ là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn là những cán bộ am hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam và thế giới", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Bởi trong bối cảnh, các quốc gia ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa, chú trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa đi đôi với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nhằm tạo điều kiện cho tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước và làm lan tỏa bản sắc dân tộc, nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước trên trường quốc tế; đồng thời tiếp thu, bảo tồn, phát huy và làm giàu kho tàng văn hóa của chính quốc gia mình.

Hải Liên