Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 2 Luật BHXH năm 2014, trường hợp của bà Phương sau khi nghỉ việc tại công ty, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Về thủ tục tham gia BHXH tự nguyện, bà Phương lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; nộp Tờ khai và đóng tiền cho cơ quan BHXH cấp huyện hoặc đại lý thu tại xã nơi cư trú.
Căn cứ Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bà Phương có thể đăng ký đóng BHXH tự nguyện theo phương thức hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần.
Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng tính bằng 22% nhân với mức thu nhập tháng do bà lựa chọn. Mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 24.200.000 đồng). Do đó, mức đóng hàng tháng hiện nay thấp nhất là 154.000 đồng, cao nhất là 5.324.000 đồng.
Mức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần tính bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Đề nghị bà liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn cụ thể.