Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo bà Phương tìm hiểu, đối với trường hợp của bà thì mức lương hưu là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ theo chế độ. Tổng số tiền lương tham gia BHXH của bà là 525.901.570 đồng, bình quân 8.765.026 đồng/tháng.
Vậy lương hưu mức 75% của 8.765.026 là 6.573.769 đồng. Bà Phương hỏi, mức lương hưu kể từ tháng 8/2022 như bà tính có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Trần Thị Phương như sau:
Theo Khoản 1, Điều 89 Luật BHXH, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Điểm a, Khoản 1, Điều 62 Luật BHXH quy định người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
Tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Khoản 1, Điều 63 Luật này quy định, tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động quy định tại Khoản 1, Điều 89 của Luật này được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016.
Điều 62 Luật này được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2016; Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 20 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 nay được sửa đổi bởi khoản 18, 19, 20, 21, Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Điều 20 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi đoạn cuối Khoản 1 Điều này bởi Khoản 18, Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH (tình trạng còn hiệu lực) hướng dẫn, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này quy định tại Khoản 1, Điều 62 của Luật BHXH và Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP như sau:
Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995:
Mbqlt = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/60 tháng
Trong đó:
Mbqtl: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương đã được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1, Điều 63 Luật BHXH.
Theo thông tin bà Trần Thị Phương cung cấp, bà tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995, có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Căn cứ tổng số tiền lương đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu (theo số liệu đã được BHXH cùng cơ quan trả lương chốt sổ BHXH, có thể tra cứu tại https://baohiemxahoi.gov.vn hoặc ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam) đề nghị bà Phương áp dụng công thức nêu trên để tính mức lương hưu hằng tháng của bà được hưởng.
Căn cứ Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì, năm 2022 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 6 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 8 tháng. Tháng nhận lương hưu do BHXH chi trả là tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu.
Do bà Phương không cung cấp thông tin về ngày, tháng, năm sinh để xác định thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu nên luật sư không thể trả lời chính xác bà hưởng lương hưu vào tháng mấy. Nếu tháng 7/2022 bà đủ 55 tuổi 8 tháng (đủ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình năm 2022), thì tháng 8/2022 bà được hưởng lương hưu do BHXH chi trả.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.