Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Song, để kiểm soát tốt hơn nữa thị trường này, cần phải có sự quản lý minh bạch, chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước.
Sau 8 tháng, thị trường vàng dần ổn định
Thị trường vàng Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2013 có những đặc điểm lớn sau:
Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam có khả năng giữ bình ổn khi có sự điều tiết hợp lý của Nhà nước, kể cả khi thị trường vàng thế giới biến động tăng hoặc giảm giá.
Thứ hai, tính chất công khai, minh bạch của các giao dịch liên quan đến vàng đóng vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường, góp phần làm cho thị trường vận hành đúng thực chất.
Như vậy, tính từ ngày 28/3 đến 17/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 59 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.557.000 lượng (gần hơn 58,38 tấn vàng) trên tổng số 1.662.000 lượng chào thầu. |
Thứ tư, việc chỉ có một số ngân hàng và doanh nghiệp tham gia vào đấu giá, mức chênh lệch giữa giá tham chiếu với mức giá cuối cùng không lớn, cho thấy, tính đặc thù của việc đấu giá vàng tại Việt Nam.
Thứ năm, những người tham gia mua vàng thường là đối tượng có thu nhập trung bình và cao, nên phần bán đấu giá vàng trong điều kiện giá vàng trong nước ở mức cao góp phần phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Trong đó, một phần thu nhập của đối tượng có thu nhập trung bình và cao chuyển sang đối tượng khác.
Thứ sáu, giá vàng trong nước đứng ở mức cao trong khi giá USD duy trì khá ổn định làm tăng lợi nhuận do chênh lệch giá trong nước và giá quốc tế. Việc đặt giá vàng đấu giá và tỷ giá USD đều do Ngân hàng Nhà nước tiến hành càng làm cho tính chủ động trong điều tiết cả hai tham số quan trọng này tăng lên. Cho nên sự thận trọng điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD là cần thiết.
Một số dự báo
Quá trình thực hiện bán đấu giá vàng của NHNN cho thấy tuy vẫn còn chênh lệch cao với giá vàng thế giới nhưng thị trường vàng trong nước phụ thuộc khá lớn vào quốc tế và sự chênh lệch này đang có xu hướng giảm dần.
Vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước theo các cơ chế tài chính NHNN đã được phê duyệt, thu từ khoản nhập khẩu và bán vàng cũng nằm trong cân đối tổng thể thu chi trên. Các khoản lợi ích từ việc kinh doanh vàng đưa vào ngân sách Nhà nước cần thực hiện công khai hoá các khoản thu-chi từ việc đấu giá vàng.
Trong thời gian tới, biến động thị trường vàng thế giới có thể giảm đến mức 800 USD/oz như thời điểm năm 1974. Khi nền kinh tế thế giới phục hồi, việc đầu tư vào các loại tài sản khác được coi trọng và việc tích trữ vàng cũng hạn chế, khiến cầu thực sự về vàng thế giới giảm mạnh làm giảm giá vàng thế giới, kéo theo sự giảm giá vàng trong nước. Giá vàng trong nước có khả năng sẽ giảm xuống dưới mốc 30 triệu đồng/lượng, thậm chí ngang với giá thế giới. Trong điều kiện này, vai trò điều tiết giảm giá vàng của NHNN, cũng như các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần được phát huy.
Bên cạnh đó, vị thế lớn của Trung Quốc trong hệ thống tiền tệ thế giới sẽ tạo áp lực làm giảm giá vàng thế giới. Do Trung Quốc là quốc gia có lượng dự trữ USD rất lớn với khoảng 3.000 tỷ USD và lượng vàng dự trữ không hề nhỏ. Khi vàng giảm giá và USD lên giá sẽ làm cho quá trình tích trữ USD gia tăng và quá trình tích trữ vàng giảm xuống. Với lượng USD dự trữ lớn và việc sử dụng Hong Kong, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, làm nơi tạo tác động đến thị trường vàng thế giới, Trung Quốc có thể có ảnh hưởng không nhỏ đến giá vàng để thu lợi. Do đó, cần thường xuyên theo dõi động thái của giá vàng ở Trung Quốc để có phản ứng phù hợp.
Ngoài ra, khi các hoạt động xử lý nợ xấu được triển khai có thể có hiện tượng một số TCTD bán vàng tích trữ để trả nợ vào những tháng cuối năm, khi giá vàng đang có xu hướng giảm, nhu cầu tích trữ vàng hạ thấp. Điều này là yếu tố làm giảm giá vàng trong nước.
Nếu xuất hiện khả năng giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, NHNN, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội để mua vào nhằm tăng lượng dự trữ và giảm thiểu việc xuất khẩu vàng làm thất thoát lượng vàng quốc gia ra nước ngoài hoặc khuyến khích dự trữ vàng trong dân cư.
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng
(Trường Đại học Kinh tế quốc dân)