Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới sắp tới gần, đối với những du học sinh xa nhà không có điều kiện để về quê đón Tết thì đây là thời điểm nhớ khôn nguôi không khí tất bật chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền, nhớ những bữa cơm đoàn viên sum vầy, đặc biệt là nhớ tình cảm gia đình ấm áp quây quần đón chào năm mới, xuân sang.
Hiện nay Tết Việt đã được các bạn du học sinh chuẩn bị chu đáo, dù không thể đầy đủ hương vị quê nhà nhưng những gì đặc trưng nhất của Tết Việt như bánh chưng, dưa hành, giò chả… thậm chí cả câu đối đỏ cũng đều được các tự tay chuẩn bị. Nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị mang đậm văn hóa Việt cũng được các bạn du học sinh tổ chức vừa để đón Tết cổ truyền vừa để giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Sang Hàn Quốc học tập được 5 năm, là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Dong A (TP. Busan, Hàn Quốc), Nguyễn Văn Kiệt năm nay vẫn ăn Tết xa nhà. Kiệt bồi hồi chia sẻ cảm xúc về nỗi nhớ quê hương, nhớ Tết cổ truyền Việt Nam: "Cứ đến thời điểm này không chỉ mình em mà các bạn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đều khắc khoải nỗi nhớ quê nhà, nhớ những bữa cơm gia đình đoàn viên, nhớ cảnh dọn nhà mua sắm chuẩn bị Tết cùng mẹ, nhớ cảnh cùng bố đi tảo mộ ông bà ngày 25 Tết... Tất cả những kỉ niệm chợt ùa về. Là hình ảnh từ đầu ngõ đến cuối xóm không khí Tết rộn ràng. Là hình ảnh đi mua đào, mua quất để đón Tết; cùng nhau đi chợ mua lá dong, mua giang chẻ lạt để chuẩn bị gói bánh chưng dâng lên ông bà tổ tiên ba ngày Tết, tiếng cười bọn trẻ nô đùa háo hức đón Tết hòa cùng tiếng nhạc Xuân rộn vang khu ngõ... Đó là những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của Tết cổ truyền Việt Nam. Tết không chỉ là dịp để những người học tập, làm ăn nơi xa trở về nhà đoàn tụ mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại những điều được và chưa được năm cũ, chuẩn bị một tinh thần tươi mới để chào đón một năm mới thật nhiều may mắn và thành công".
Tuy nhiên, Kiệt cho biết, dù không được đón Tết ở quê hương nhưng Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Dong A đã cùng nhau tổ chức chương trình "Chào Xuân Năm Mới" để giúp các bạn sinh viên vơi bớt nỗi nhớ nhà ngày Tết. Đây là một trong những sự kiện thường niên của Hội. Ngoài việc quây quần bên nhau ăn những món ăn truyền thống ngày Tết, Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Dong A còn tổ chức chương trình "Khai bút đầu năm" và "Rút thăm may mắn" cho các bạn sinh viên. Mặc dù chỉ là những món quà nhỏ nhưng mang đậm hương vị quê hương, hương vị tuổi thơ đặc trưng ngày Tết.
"Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Dong A luôn cố gắng thay đổi hoạt động chương trình qua hằng năm để các bạn sinh viên không cảm thấy nhàm chán nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc và ý nghĩa của ngày Tết. Sự kiện của Hội đã và đang thu hút nhiều bạn sinh viên Việt Nam học tập tại trường Dong A hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, đặc biệt là các bạn tân sinh viên năm đầu tiên xa nhà", Kiệt chia sẻ.
Bên cạnh đó, những du học sinh còn cố gắng giữ gìn những nét đẹp truyền thống của Tết Việt Nam như: Gói bánh chưng, nấu những món ăn đậm hương vị ẩm thực Việt, trang trí nhà cửa theo phong cách Tết và dành thời gian gọi điện thoại về nhà để chúc Tết bố mẹ, họ hàng...
Nguyễn Văn Kiệt cũng cho biết thêm, Hội Sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Dong A thành lập từ năm 2012 đến nay đã hơn 11 năm tập hợp những sinh viên nhiệt huyết mang trong mình tinh thần trách nhiệm cao, luôn giúp đỡ tận tâm các bạn sinh viên Việt Nam theo học tại trường. Hiện nay có khoảng hơn 1.200 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường cả ba hệ (dự kiến sẽ đạt mốc hơn 2.000 sinh viên Việt Nam trong tháng 9 năm nay): Học tiếng, Đại học và Cao học. Hội Sinh viên Việt Nam đã và đang cố gắng giữ gìn, lan toả hình ảnh đẹp của sinh viên Việt Nam tới toàn thể bạn bè quốc tế đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động bổ ích và trau dồi kiến thức, kĩ năng mềm cho các bạn sinh viên như: Đại hội thể thao, đại hội âm nhạc, lễ chào đón tân sinh viên, dã ngoại, chương trình Tết - chào năm học mới...
Cùng chung cảm xúc nhớ quê hương mỗi dịp Tết đến, xuân về, bạn Phạm Vân, sinh viên Đại học Keimyung (tỉnh Daegu, Hàn Quốc) cũng không thể sắp xếp công việc để về Việt Nam đón Tết cùng gia đình.
"Không được đón Tết ở quê nhà em rất nhớ không khí ngày Tết, nhớ thời khắc được cùng ông bà gói bánh chưng; cùng bố mua đào, sắm quất; cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón một cái Tết sum vầy. Ngay cả không khí se lạnh cộng chút nồm đặc trưng của miền Bắc cũng làm em nhớ da diết. Hồi còn ở Việt Nam, tiếng loa phát thanh thời khắc giao thừa của xã luôn làm em xúc động", Phạm Vân chia sẻ cảm xúc của mình.
Tuy nhiên Phạm Vân cho biết đã có những kế hoạch riêng cho mình dịp Tết này. Đó là cùng với Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Keimyung tổ chức một số hoạt động dành cho sinh viên đón Tết như: Tổ chức một buổi Tất niên thân mật dành cho những sinh viên năm nay không thể về Việt Nam. Đây là dịp để các bạn sinh viên Việt Nam gặp gỡ ôn lại kỉ niệm của hội một năm qua, chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện vui buồn, sau đó cùng nhau thưởng thức đầy đủ các món ăn truyền thống dịp Tết cổ truyền: Bánh chưng, giò lụa, nem rán,… Hội Sinh viên Việt Nam của Đại học Keimyung được thành lập từ năm 2020 với tinh thần đoàn kết, luôn hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau đã và đang tạo nên một cộng đồng vững mạnh.
Ngoài ra, Cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyeongsan – Daegu cũng tổ chức ngày "Tết cộng đồng 2024" với sự góp mặt của các sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học trong khu vực. Các bạn sinh viên Việt Nam trường Keimyung tham gia tích cực và sôi nổi. Một số bạn đăng kí làm tình nguyện viên nấu ăn, tổ chức sự kiện, tham các tiết mục văn nghệ đặc sắc với chủ đề Xuân.
Trong tiết trời lạnh giá của mùa đông châu Âu nhưng các bạn du học sinh tại Pháp lại thấy ấm lòng bởi được tham gia các hoạt động chào đón Tết cổ truyền Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức.
Đây là Tết đầu tiên Nguyễn Thịnh đón Tết xa nhà nên em không khỏi bồi hồi nhớ quê hương nhưng cũng háo hức ngóng chờ sự khác biệt của các hoạt động đón Tết tại Pháp. Thịnh đã tích cực tham gia ngày hội Tết "Journée de Bánh Chưng" được tổ chức bởi Hội Sinh viên Việt Nam tại Paris (UEVP) với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và tạo nên một không khí Tết cổ truyền đặc trưng ở nước sở tại. Journée de Bánh Chưng là sự kiện mà các vị khách khi tới đây sẽ được tự tay mình gói bánh chưng do Hội Sinh viên Việt Nam chuẩn bị nguyên liệu từ trước và thưởng thức những tiết mục văn nghệ đậm chất văn hóa Việt Nam.
Được góp một vai nhỏ trong vở kịch Vợ chồng A phủ, Thịnh chia sẻ cảm xúc hồi hộp khi bước lên sân khấu vì khách mời và khán giả không chỉ là người Việt mà còn có những bạn bè từ nhiều nước khác nhau tham dự nhưng khi lên biểu diễn được mọi người vỗ tay và ủng hộ, Nguyễn Thịnh cảm thấy rất vui và tự hào vì đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Nguyễn Thịnh cho biết, tại sự kiện này có rất nhiều tiết mục văn nghệ mang bản sắc văn hóa Việt Nam như: Trình diễn nhạc cụ dân tộc; các bài ca, điệu múa mang đậm không khí Tết Việt. Ngoài ra, không gian ngày Tết ở đây còn có những mâm ngũ quả bày biện rất đẹp và câu đối đỏ được trang trí gợi nhớ không khí Tết quê nhà.
Nguyễn Thịnh chia sẻ, mặc dù đang học tập và sinh sống xa quê hương nhưng vẫn cảm thấy ấm cúng, thân thuộc khi tham gia các hoạt động góp phần làm vơi nỗi nhớ nhà khi Tết đến, xuân về. Đặc biệt, cảm thấy tự hào vì Tết Việt được bạn bè quốc đón nhận và thích thú trải nghiệm những nét văn hóa ngày Tết Việt Nam tại đây.
Diệp Anh