Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Nguyễn Danh Huy, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã đưa vào khai thác từ rất lâu nên có dấu hiệu xuống cấp. Điều này đã được nhận định từ sớm và Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch sửa chữa. Trong đó, thực hiện dự án đường sắt gói 7.000 tỷ vốn trung hạn, đến nay đã có 9/11 hầm đường sắt được cải tạo.
"Đặc điểm của đường sắt là đường đơn, vừa cải tạo vừa khai thác. Do đó phải thi công theo trình tự chứ không thể làm đồng loạt. Hiện còn hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) và Chí Thạnh đang cải tạo thì xảy ra sạt lở. Địa chất khu vực Phú Yên, Khánh Hòa tương đối phức tạp, kết cấu không phải đá cứng mà là đất rời rạc. Cả hai hầm đều có tuyến đường bộ chạy trên đỉnh hầm đang khai thác, lưu lượng phương tiện cao. Thời gian gần đây trên địa bàn liên tục có mưa, dẫn đến đất đá bị sạt", Thứ trưởng cho biết.
Rút kinh nghiệm từ vụ sạt lở hầm Bãi Gió tháng trước, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu các đơn vị liên quan đã tham khảo chuyên gia về hầm, thu hẹp chiều dài vỏ hầm cũ bị phá dỡ để nâng cấp. Do đó, dù xảy ra sạt lở do sự cố bất khả kháng nhưng người và thiết bị không bị ảnh hưởng.
"Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục trưởng Cục đường sắt, Ban quản lý dự án 85 và tất cả các lực lượng liên quan trực 24/24h tại hiện trường. Mục tiêu là thông tàu sớm nhất nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công nhân, cán bộ tham gia khắc phục sự cố", Thứ trưởng lưu ý và cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, sẽ thông tàu trong 2-3 ngày tới.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, hiện các đơn vị đã huy động khoảng 50 công nhân, kỹ sư khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở hầm. Công nhân sẽ khoan tạo neo và phun bê tông trên vỏ hầm để tạo thành khối liên kết vững chắc, sau đó mới dọn dẹp đất đá ở phía dưới. Công việc được tiến hành khẩn trương và chưa ghi nhận thêm sự cố sạt lở mới cho thấy sự cố sạt lở cơ bản được khống chế.
Khoảng 10h15 ngày 21/5, một lượng đất đá trong hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên) đã bất ngờ đổ xuống khi tàu công trình đang thực hiện công tác gia cố hầm, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 30m3. Sau đó, hầm này tiếp tục sạt lở với khối lượng lên đến 50m3.
Sự cố làm gián đoạn chạy tàu Bắc - Nam qua khu vực này. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải chuyển tải hành khách đi tàu bằng ô tô giữa 2 ga La Hai (huyện Đồng Xuân) và ga Tuy Hòa (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) để tiếp tục hành trình đi tàu.
Từ khi xảy ra sự cố sạt lở, ngành Đường sắt đã lên phương án trung chuyển hành khách bằng ô tô từ ga Tuy Hòa đến ga La Hai và ngược lại nhằm đảm bảo lịch trình di chuyển của khách đi tàu. Quãng đường trung chuyển khoảng 50km, thuộc tỉnh Phú Yên. Đến sáng 22/5, ngành đường sắt đã trung chuyển khoảng 2.700 hành khách (của 12 đoàn tàu) đi từ ga La Hai đến ga Tuy Hòa và ngược lại.
Phan Trang