Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung trong bối cảnh hiện nay”. Ảnh: VGP/Hải Đăng
Sự kiện quy tụ hơn 50 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo địa phương, tập trung làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa, chuyển đổi số và liên kết vùng.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải cho biết, du lịch đang là động lực quan trọng góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa và đảm bảo quốc phòng - an ninh tại Quảng Trị cũng như các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, để phát triển du lịch một cách bền vững, cần vượt qua nhiều thách thức như hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa cao, nguồn nhân lực còn yếu và sự thiếu liên kết giữa các địa phương.
"Phát triển du lịch bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, sự kiên trì và đồng thuận từ cả chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách. Hội thảo hôm nay là bước đi thiết thực để tìm ra con đường phù hợp nhất cho mục tiêu này", ông Hải khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận có giá trị và tọa đàm với nội dung phong phú, từ định hướng phát triển du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, đến bảo tồn văn hóa dân gian, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong ngành du lịch. Trong đó, các giải pháp được đề xuất đều hướng tới việc phát triển du lịch không chỉ như một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là công cụ lan tỏa văn hóa, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Hương-nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng ở miền Trung có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức; còn TS. Dương Hương Sơn lại đề xuất khai thác các di tích lịch sử - văn hóa như điểm tựa cho sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Trị.
Đáng chú ý, hội thảo cũng tập trung phân tích những yếu tố đang cản trở đà phát triển bền vững như sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương, thiếu chuỗi liên kết dịch vụ, và hạn chế trong việc ứng dụng chuyển đổi số.
Tại phiên tọa đàm, TS. Nguyễn Tiến Thư (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chỉ rõ: "Chuyển đổi số là giải pháp đột phá giúp nâng cao trải nghiệm du khách, đồng thời tối ưu hóa quản lý và tiếp thị điểm đến. Tuy nhiên, các địa phương như Quảng Trị cần chủ động rút ngắn khoảng cách số để không bị bỏ lại phía sau".
PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà-Học viện Khoa học xã hội đề cập đến vấn đề cấp bách hiện nay là cần bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch cộng đồng ở miền Trung. Theo PGS.TS Song Hà, việc bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa nhất thiết phải đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Phát triển du lịch không chỉ đơn thuần là tạo ra lợi ích kinh tế mà còn phải hướng đến việc trao quyền thực sự cho cộng đồng. Trao quyền bao gồm quyền được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và kịp thời, quyền được tham gia vào quá trình quy hoạch và quản lý hoạt động liên quan đến mình và quyền được hưởng lợi một cách công bằng từ những thành quả phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thu, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Ozo Park, các doanh nghiệp du lịch tư nhân hiện đối mặt với không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi bền vững, từ thiếu vốn đầu tư đến thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể. Do đó, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình số hóa, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo là điều kiện tiên quyết.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Văn Hiền
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Du lịch bền vững không thể chỉ là khẩu hiệu. Đó là chiến lược tổng thể hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Phát triển phải đặt con người cả cộng đồng địa phương và du khách vào trung tâm".
Bốn nhóm nội dung chính được GS.TS Lê Văn Lợi rút ra từ Hội thảo gồm: Cơ sở lý luận và định hướng phát triển bền vững, nhấn mạnh sự cân bằng giữa khai thác và bảo tồn, định vị rõ du lịch là ngành phát triển có trách nhiệm. Đánh giá hiện trạng và tiềm năng bằng việc xác định các điểm mạnh – yếu, những khoảng trống trong hạ tầng, sản phẩm, nhân lực và liên kết vùng.
Giải pháp cụ thể và khả thi thông qua xây dựng sản phẩm đặc trưng, đẩy mạnh chuyển đổi số, liên kết vùng hiệu quả và đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Cuối cùng là vai trò của liên kết vùng, Quảng Trị cần đặt mình trong chiến lược phát triển du lịch chung của miền Trung và cả nước, gắn kết với các trung tâm du lịch như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nghệ An, tạo chuỗi sản phẩm xuyên tuyến.
Hội thảo là một minh chứng rõ nét cho nỗ lực của Quảng Trị trong việc chuyển hóa tư duy phát triển du lịch từ "đơn ngành" sang "liên kết vùng, liên ngành", từ "khai thác" sang "gìn giữ và lan tỏa". Dù còn nhiều thách thức, nhưng dư địa phát triển du lịch Quảng Trị vẫn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái và cộng đồng.
Vấn đề cốt lõi hiện nay là làm sao để những kiến nghị, sáng kiến từ hội thảo được cụ thể hóa thành chính sách, kế hoạch và hành động thực tiễn, điều mà đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Quảng Trị đều nhấn mạnh trong phần kết luận.
Hội thảo cấp bộ lần này không chỉ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề lý luận quan trọng, mà còn khơi mở những gợi ý thiết thực, có thể áp dụng ngay vào hoạch định chính sách và triển khai thực tế. Đây là bước đi quan trọng để ngành du lịch Quảng Trị không chỉ phát triển bền vững, mà còn có bản sắc, có sức cạnh tranh và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của miền Trung và cả nước.
Hải Đăng