Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
* Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương lên phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3
Sáng 11/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn "Luồng xanh" cho du lịch cất cánh với chủ đề: "Mở cửa du lịch linh hoạt, an toàn, hiệu quả".
Phát biểu tại đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ VHTT&DL hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt tại tất cả các cửa khẩu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết về yêu cầu bảo đảm an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ VHTT&DL đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc mở lại hoạt động du lịch cần bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022, đó là "Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và bảo đảm lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán''.
Tại Việt Nam, cùng với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai và đạt kết quả khả quan, vẫn phải lưu ý đến vấn đề chênh lệch độ bao phủ vaccine giữa một số địa phương, cũng như còn có sự chưa thống nhất về quy trình, quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa một vài địa phương cũng như tình hình dịch bệnh trên cả nước hiện nay.
Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, trước hết theo ông Nguyễn Trùng Khánh việc bảo đảm tuân thủ thống nhất các quy định phòng, chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, các địa phương và doanh nghiệp cần triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Quyết định số 218 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 và Hướng dẫn số 3862/BVHTTDL-TCDL ngày 18/10/2021 của Bộ VHTT&DL về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Về vấn đề tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Các chuyến bay quốc tế thường lệ hoạt động trở lại như trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các hãng hàng không cần phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế, kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.
Về tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện bình thường mới, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến như chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19.
Đối với việc công nhận hộ chiếu vaccine, hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành ngoại giao phối hợp với ngành y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc n âng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam sau 2 năm chịu ảnh hưởng COVID-19.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Do đó, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh mới.
Về cạnh tranh điểm đến, bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành du lịch, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã chuẩn bị sẵn sàng việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại ngay khi điều kiện cho phép. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu.
Vừa qua, được sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh của Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh, thành phố được công bố. Theo đó, có những địa phương đứng đầu bảng danh sách này, có địa phương thì chỉ số cạnh tranh đang còn hạn chế. Thực tế đó tuy chưa phản ánh hết mức độ canh tranh điểm đến của cả nước nhưng phần nào chỉ ra năng lực cạnh tranh của những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Vì vậy, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Về xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam cần phải làm nhiều việc trong xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế so với đối thủ mạnh luôn là bài toán lớn đặt ra đối với du lịch Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, chúng ta sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông "Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam'' đối với các thị trường quốc tế và "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn" đối với thị trường du lịch nội địa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Các địa phương xem xét ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần có thời gian, nguồn lực để phục hồi sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.
Trong thời điểm này, du lịch Việt Nam cần được các bộ, ngành ủng hộ; các địa phương đồng hành phối hợp; doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, để Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đứng trước bối cảnh có nhiều cơ hội phục hồi nhanh chóng, du lịch Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng, nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ, góp phần tạo từng bước đi vững chắc, lấy lại đà phát triển cho ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Năm 2021, ngành du lịch đã đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế. Chương trình thí điểm triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã thu hút hơn 10.000 khách quốc tế. Trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội. Khách du lịch nội địa tháng 2/2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch tháng 02/2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.
Diệp Anh