Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc trong bối cảnh hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp lần đầu tiên được đề cập thành một mục riêng với nội dung khá phong phú trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 2023.
Tuyên bố chung năm 2023 đã nêu rõ: "Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các lĩnh vực; tích cực thực hiện nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.
Tại Hội đàm, Bộ trưởng Lê Thành Long chúc mừng những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã đạt được, nhất là thành tựu nổi bật trong hơn 10 năm qua kể từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúc mừng Trung Quốc đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ hai Lưỡng hội khóa XIV để xác định các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, cũng như quyết định những vấn đề trọng đại về sự phát triển của Trung Quốc.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thông tin về tình hình KT-XH của Việt Nam Quý I năm 2024, giới thiệu khái quát chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được "Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán".
Trong đó, trọng tâm là "Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật" với nhiệm vụ "Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; Ðổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả".
Trong thời gian tới đây, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ mới đối với Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, là nhu cầu khách quan, đặc biệt là kinh nghiệm của Trung Quốc - một quốc gia láng giềng có rất bề dày trong công tác pháp luật và tư pháp và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về nền tảng tư tưởng, mục tiêu xây dựng CNXH, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đồng tình với Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh giới thiệu sơ bộ về chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Trung Quốc; chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý đất nước toàn diện theo pháp luật Trung ương; đồng thời giới thiệu sơ bộ về một số sáng kiến ban đầu của Bộ Tư pháp Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác khu vực. Bộ trưởng Hạ Vinh cho rằng Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và đây là tiền đề quan trọng để hai Bên trao đổi, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau.
Về quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Trung Quốc, hai Bộ trưởng đánh giá cao việc trong thời gian qua, Bộ Tư pháp hai nước đã nỗ lực đàm phán và ký kết được 02 văn kiện hợp tác quan trọng. Ngày 31/10/2022, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai Bộ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật thay thế cho văn bản hợp tác được ký trước đây là Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp CHND Trung Hoa năm 1997.
Trên cơ sở Bản Ghi nhớ mới, hai Bộ Tư pháp đã thống nhất và ký Chương trình hợp tác năm 2024-2025 (ký ngày 08/12/2023 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình). Cụ thể, trong năm 2024, hai Bên sẽ phối hợp tổ chức 01 Đoàn cấp Bộ của Bộ Tư pháp Việt Nam sang Trung Quốc, 01 Đoàn cấp Vụ của Bộ Tư pháp Trung Quốc sang Việt Nam và 01 hội thảo trực tuyến; trong năm 2025, hai Bên sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị các cơ quan tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ nhất tại Trung Quốc, 01 Đoàn cấp Vụ của Bộ Tư pháp Việt Nam sang Trung Quốc và 01 hội thảo trực tuyến.
Hai Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp hai nước tích cực phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả các văn kiện hợp tác này và định kỳ rà soát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các hoạt động hợp tác để đề xuất với lãnh đạo Bộ Tư pháp mỗi nước các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác.
Về hình thức hợp tác, đề nghị hai Bên cần có sự linh hoạt phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, kết hợp giữa các hoạt động trực tiếp (trao đổi các đoàn công tác, phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm chung, cử cán bộ tham dự các hội thảo, tọa đàm do bên kia tổ chức…) với các hoạt động trực tuyến (tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm, hội thảo trực tuyến; chia sẻ thông tin, tài liệu qua phương tiện điện tử…).
Ngay sau khi kết thúc Hội đàm, hai Bộ trưởng đã ký Thỏa thuận về việc tổ chức Hội nghị giữa các cơ quan tư pháp của các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ nhất (tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2025).
Theo Thỏa thuận này, nội dung dự kiến trao đổi tại Hội nghị sẽ bao gồm: xây dựng pháp luật, quản lý luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hòa giải, trọng tài, trợ giúp pháp lý, phổ biến và giáo dục pháp luật, tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự và thương mại và đề xuất các giải pháp thúc đẩy thực hiện tốt hơn các công tác này trong thời gian tới, xây dựng lộ trình thúc đẩy hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp địa phương của hai nước.
Cơ chế Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc sẽ được tổ chức 2 năm/lần theo hình thức luân phiên để thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các địa phương khu vực biên giới hai nước cũng như giữa hai Bộ Tư pháp, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tốt hơn các công tác tư pháp thuộc chức năng nhiệm vụ mỗi Bên.
Lê Sơn