Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông báo nêu rõ, tỉnh Yên Bái ở vị trí tương đối trung tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh Yên Bái là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai; có hai tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn (cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã hình thành và cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang đang được đầu tư xây dựng).
Trong 8 tháng đầu năm 2022, tỉnh Yên Bái tiếp tục đạt được các kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 7,57%, trong đó nông nghiệp tăng 5,44%. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 2,5 nghìn tỷ (tăng 20,2% cùng kỳ). Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 10,52%; thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi, tăng trưởng nhanh (8 tháng năm 2022 đón gần 1,1 triệu lượt khách, gấp 2,03 cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,55% so với cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư phát triển 8 tháng đạt hơn 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện tích cực, chủ động và đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái còn những tồn tại, hạn chế và đối mặt với khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ (xếp thứ 9/14 vùng; 56/63 cả nước); tốc độ chuyển dịch còn chậm; chất lượng tăng trưởng chưa cao và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Thu ngân sách nhà nước còn thấp. Nông nghiệp chuyển dịch còn chậm, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao và chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hiệu quả không gian văn hóa, còn thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng cao, có tính liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế. Số doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, tốc độ thành lập mới chậm.
Thông báo kết luận cũng nêu rõ những phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới. Theo đó, quán triệt, cụ thể hóa vào điều kiện thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030. Tập trung vào 3 đột phá chiến lược (đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng và với quốc tế); ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường; vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời của mình; không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể.
Không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển đột phá và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025; góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tập trung tiêm vaccine an toàn, khoa học và hiệu quả cho các đối tượng, đặc biệt là đối với trẻ em theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng phát huy giá trị bản sắc văn hóa và miền di sản Yên Bái (Xòe Thái, không gian văn hóa ruộng bậc thang Mù Cang Chải…) trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng để mở rộng thành phố Yên Bái.
Tập trung nguồn lực phát triển giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", con người là nguồn lực quan trọng và quyết định. Đối với giáo dục phổ thông cần rà soát, bảo đảm cơ sở vật chất (trường, lớp học) và đội ngũ giáo viên; đặc biệt quan tâm phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú. Mở rộng hệ thống đào tạo nghề, nhất là kỹ năng nghề cho các ngành nghề, lĩnh vực là thế mạnh của địa phương. Khẩn trương nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện cần thiết để thành lập cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở Trường Cao đẳng Yên Bái nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Chú trọng 05 yếu tố trong phát triển nông nghiệp: xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; thị trường cho sản phẩm đầu ra; kết nối với doanh nghiệp, ngân hàng và ứng dụng khoa học công nghệ.
Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Rà soát và tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, không để xảy ra xung đột với phát triển du lịch. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; đồng thời, phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Về Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tỉnh Yên Bái thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực theo đúng thẩm quyền và quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 theo quy định pháp luật; trình Bộ Xây dựng thẩm định trong quý IV năm 2022, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I năm 2023.
Về kiến nghị liên quan đến Khu công nghiệp Trấn Yên: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan hướng dẫn Tỉnh thực hiện, bảo đảm khả thi, đúng thẩm quyền và quy định.
Về đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư, xây dựng các tuyến đường kết nối Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang), Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, kết nối huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai): Tỉnh rà soát danh mục dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối và huy động vốn.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc ngân sách trung ương hỗ trợ Tỉnh thực hiện khi có nguồn.
Khánh Linh