Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Còn tại Vịnh Hạ Long, cũng từ 6h sáng ngày 27/7, cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa đã dừng cấp phép cho tàu du lịch đưa khách tham Vịnh Hạ Long.
Hoạt động tại Cảng tàu khách Tuần Châu đang có 473 tàu du lịch, hiện các chủ tàu đã bắt đầu di chuyển tàu đến nơi tránh trú bão an toàn và thực hiện chằng buộc, cố định tàu nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc khi bão về.
Nhằm triển khai ngay các công việc cụ thể phòng, chống cơn bão số 1, chiều 26/7, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về công tác ứng phó cơn bão số 1 của tỉnh, phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh Đặng Huy Hậu yêu cầu các địa phương phải hoàn thành các công việc phòng, chống cơn bão số 1 trước 16h ngày 27/7. Ảnh Quangninh.gov.vn |
Chậm nhất đến 16 giờ tàu thuyền phải về nơi an toàn
Cụ thể, Sở Giao thông vận tải nhanh chóng kiểm tra tuyến đường tránh Hạ Long-Cẩm Phả, hạn chế tối đa hiện tượng sạt lở; cần tiến hành gia cố đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông; chú ý việc đảm bảo thoát nước, khơi dòng, tránh ngập úng cục bộ đối với tuyến Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Cẩm Phả mở rộng. Khi xảy ra ngập úng phải có phương án thoát nước. Đồng thời, lưu ý an toàn cho phương tiện di chuyển qua các cầu Bãi Cháy, Vân Đồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần hết sức chú ý vấn đề ứng cứu sự cố tràn dầu liên quan đến các khu vực tàu bè, trạm xăng trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, ông Đặng Huy Hậu lưu ý: Hiện nay còn trên 40 tàu, thuyền xa bờ chưa liên lạc được, vì vậy đồng chí yêu cầu BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng liên lạc với các phương tiện về bờ.
Riêng về tàu thăm Vịnh Hạ Long, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cấm tàu từ chiều 27/7. Chậm nhất đến 16h phải hoàn thành di chuyển tàu bè đến nơi tránh, trú bão an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải rà lại tình hình các hồ, đập, lên phương án xả nước; triển khai ngay phương án phòng, chống thiệt hại hoa màu; gia cố lại các nhà lưới tại các khu trồng rau chất lượng cao.
Sở Xây dựng cần kiểm tra ngay các công trình xây dựng, nhất là tại khu vực TP. Hạ Long, Cẩm Phả, chú ý đảm bảo an toàn cho các phương tiện trong quá trình xây dựng.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cần bảo đảm công tác thường trực 24/24h, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng, chống lụt bão; lực lượng ứng cứu lên phương án sẵn sàng ngay khi có lệnh. Lực lượng Công an, Biên phòng tỉnh cần đặc biệt lưu tâm an toàn tại các tuyến biển, chủ động ứng cứu, thông báo, xử lý tình huống trên biển ngay khi có tai nạn.
Đối với ngành Than, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai ngay phương án phòng, chống nguy cơ sạt lở, rà lại điểm xung yếu từ TP. Hạ Long đến TP. Cẩm Phả, tránh hiện tượng sạt lở, sập hầm lò.
Có phương án sơ tán nhân dân
Đối với các địa phương, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu phải có phương án cụ thể phòng, chống sạt lở; gia cố công trình xây dựng; kiểm soát chặt chẽ tình hình, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Huyện Cô Tô và Vân Đồn triển khai các phương án di dời du khách, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền.
Riêng với Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Đông Triều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu triển khai ngay các phương án phòng, tránh mưa lớn; chú ý các điểm ngập úng, rà soát lại những nhà dân có nguy cơ sạt lở.
TP. Hạ Long phải chú ý kè chống sạt lở tại các dự án trên địa bàn thành phố như: Công trình sân golf FLC, khu vực phường Trần Hưng Đạo, Cao Xanh, Hà Lầm, Bãi Cháy, các khu đất yếu, những khu vực đã xảy ra ngập úng trong trận mưa trước. Các phường rà lại toàn bộ điểm xung yếu, có phương án gia cố, sơ tán nhân dân khi xảy ra ngập lụt, sạt lở. TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả phải di dời các nhà chung cư cấp độ D ngay trong ngày 27/7.
Tất cả các địa phương trong tỉnh phải lên phương án sẵn sàng trực phòng, chống bão lũ 24/24h. Các vùng núi cao có nguy cơ sạt lở phải tiến hành cảnh giới, có cảnh báo an toàn. Các địa phương có đê phải tiến hành kiểm tra ngay các điểm xung yếu, có phương án gia cố đê, đảm bảo an toàn. Cùng với đó, phải đôn đốc xuống tận các phường, xã về công tác phòng, chống mưa bão và thông tin kịp thời tới nhân dân.
Các sở phải thành lập đoàn đi kiểm tra cụ thể tại các địa phương và các điểm có nguy cơ sạt lở. Chủ tịch, Bí thư các địa phương, Giám đốc các sở, ngành phải chịu trách nhiệm triển khai theo đúng nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình; đến 16h ngày 27/7, toàn tỉnh phải hoàn thành các công việc phòng, chống cơn bão số 1./.