Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát triển cảng biển là một lĩnh vực ưu tiên của các tỉnh, thành phố miền Trung. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Thực tế được các diễn giả nêu lên tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung tổ chức ngày 15/8, tại Đà Nẵng, cho thấy sự phát triển của vùng Duyên hải miền Trung đang gặp những trở ngại, thách thức lớn, cần có những giải pháp mạnh mẽ để phát huy sức mạnh toàn vùng.
Liên kết là tất yếu
Câu chuyện liên kết phát triển đã không còn mới đối với các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, từ Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996 cho đến nay đều đề cập và nhấn mạnh đến phát triển kinh tế vùng. Theo đó, các vùng kinh tế-xã hội, vùng kinh tế trọng điểm lần lượt đã được thành lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể và tổ chức triển khai thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ, trong đó có vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Đặc biệt với sáng kiến mới đây, vùng Duyên hải miền Trung đã có sự liên kết 9 tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận và bước đầu mang lại những kết quả tích cực ở một số nội dung liên kết như: Phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, kết nối đào tạo nguồn nhân lực và bắt đầu có những đề án cụ thể phát triển công nghiệp hỗ trợ…
TS.Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, cho biết chuyển biến quan trọng nhất chính là nhận thức và hành động về việc hợp tác phát triển vùng từ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh/thành phố cho đến cộng đồng doanh nghiệp, đây là một tất yếu. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung đã khẳng định và tự nguyên liên kết bởi “có liên kết mới phát triển, phát huy được thế mạnh miền Trung”.
Sự liên kết này vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng Duyên hải miền Trung với những giá trị về văn hóa, lịch sử, khác biệt về mặt địa lý, tự nhiên cho phép phát triển một số ngành mang tính chất vượt trội, có thể đi nhanh so với các vùng khác.
Theo TS. Trần Du Lịch, mặc dù rất cố gắng và nỗ lực nhưng do nước ta còn thiếu các thể chế về kinh tế vùng, liên kết vùng và cơ chế điều phối vùng nên việc liên kết và kết quả phát triển kinh tế-xã hội của các vùng trong cả nước nói chung cũng như vùng Duyên hải miền Trung còn rất hạn chế. Các địa phương vẫn còn rất lúng túng, bị động trong việc triển khai các bước liên kết phát triển vùng.
Ông Lịch cho rằng cơ chế liên kết, hợp tác hiện nay chỉ là sáng kiến địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung, nên rất cần có sự thừa nhận và bảo trợ pháp lý của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của Trung ương về nguồn lực, cơ chế ưu đãi đầu tư.
Cùng quan điểm trên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự liên kết vùng Duyên hải miền Trung vẫn chưa đủ định hình chắc chắn, vẫn chưa được bảo đảm và hỗ trợ bằng thể chế và chính sách “chính danh quốc gia”, bằng một mô hình phát triển và thể chế liên kết phát triển vùng chính thống, có đủ hiệu lực và thực sự hiệu quả.
Cần hoàn thiện thể chế kinh tế vùng
Nói về liên kết vùng và phát triển kinh tế-xã hội vùng Duyên hải miền Trung, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế trong đó có vùng Duyên hải miền Trung.
Cụ thể, các cơ quan liên quan cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi các địa giới hành chính để trình Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch bổ sung vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, rà soát lại các quy hoạch khác như đất đai, không gian biển…
Từ đó, tập trung nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết nối hạ tầng giao thông với những tiêu chuẩn kỹ thuật khác biệt thích ứng với khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung; trong quy hoạch giao thông không chỉ nhìn theo hướng Bắc-Nam mà cần chú trọng thêm hướng Đông-Tây, kết nối miền Trung với Tây Nguyên và các nước khác trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Đồng thời, cần tạo lập cơ chế, chính sách để huy động mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực mà miền Trung đang làm, trước hết là du lịch, tiếp đến là phát triển cảng biển, vận tải ven biển. Từng bước phát triển công nghiệp hỗ trợ như ô tô, cơ khí…, liên kết tạo ra các chuỗi thị trường tiêu thụ ở trong nước.
Phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.
Như vậy, để miền Trung có thể “cất cánh” cùng với 2 đầu của đất nước, bên cạnh những giải pháp ở tầm tư duy, chiến lược và chính sách, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh/thành phố, và đặc biệt là sự vào cuộc của doanh nghiệp, từ đó, đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển “khúc ruột miền Trung”.
Thế Phong