Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu EVN phải khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm đủ điện cho phát triển. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Phó Thủ tướng, năm 2017 vừa qua, trong bối cảnh có không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội nước ta chuyển biến tích cực, toàn diện.
“Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của EVN - tập đoàn chủ lực trong ngành năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Không để miền Nam thiếu điện
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng EVN cần phải nhìn nhận rõ một số tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua. Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhu cầu điện tăng rất cao. Dự báo nhu cầu năm 2020 có thể gấp rưỡi hiện nay. Trong khi đó thuỷ điện đã đến “ngưỡng”, không thể tiếp tục phát triển.
Về cơ cấu nguồn điện hiện nay, thuỷ điện chiếm khoảng 40%, nhưng tỉ lệ này sẽ ngày càng giảm do nhu cầu tăng nhanh nên buộc phải phát triển các nguồn điện thay thế. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể triển khai trên quy mô lớn do chi phí quá cao.
Cùng với đó, phát triển nguồn điện phải bảo đảm môi trường. Điều này đòi hỏi công nghệ phải rất cao, giá thành do đó cũng cao.
“Chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, do đó yêu cầu đặt ra là phải phát triển nguồn điện nhiều hơn, đồng thời phải có giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm, chống thất thoát. Đây là yêu cầu ‘kép’ đặt ra cho ngành điện”, Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, sức ép đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc (trên 50%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%. Do đó, tình trạng thiếu điện cục bộ hiện cũng đang là bài toán khó đối với ngành.
“Nguy cơ năm 2018 sẽ thiếu điện ở phía Nam nếu các nhà máy đang đầu tư không đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh: “Yêu cầu tất cả các dự án phải bảo đảm tiến độ như quy hoạch; bảo đảm chất lượng công trình, chất lượng đầu tư xây dựng, chất lượng quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng…; bảo đảm an toàn trong vận hành, trong thực hiện dự án, không để xảy ra sự cố, đặc biệt, phải triệt để bảo đảm an toàn môi trường. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng”.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Xây dựng được văn hóa phục vụ của ngành điện
Về các nhiệm vụ lớn của EVN trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
“Ngành điện là một ngành sản xuất, nhưng là yếu tố đầu vào có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng đời sống người dân. Vì vậy phát triển điện được xác định là phải đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân. Từng bước hình thành phát triển thị trường điện cạnh tranh, thực hiện giá bán điện theo kinh tế thị trường, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo đó, trước hết EVN phải khẳng định và phát huy tốt vai trò là Tập đoàn Nhà nước giữ vai trò trụ cột thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện. Tập đoàn phải tham gia với Bộ Công Thương để rà soát lại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong đó xác định lại cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn, gắn việc tính toán nhu cầu điện bảo đảm tăng trưởng theo chiều sâu, sử dụng điện tiết kiệm, từ đó xác định các dự án ưu tiên để tham mưu cho Chính phủ.
EVN cũng phải tập trung nguồn lực để bảo đảm thực hiện các dự án điện được đầu tư xây dựng đúng tiến độ, phát triển nhanh các dự án nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải rà soát lại từng công trình, dự án để bảo đảm tiến độ, hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, các nhà máy điện Quảng Trạch (Bộ Công Thương phải vào cuộc), Ô Môn, Dung Quất, Hòa Bình mở rộng, Yali mở rộng, Trị An mở rộng; việc xây dựng đường dây 500 kV để mua điện từ Lào…
Một yêu cầu nữa cũng được Phó Thủ tướng nêu ra nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển là việc vận hành an toàn hệ thống, đặc biệt là việc vận hành an toàn các nhà máy thủy điện.
“Phải tiết kiệm từng giọt nước để phát điện, đồng thời phải bảo vệ môi trường và góp phần giảm nhẹ thiên tai. Bộ Công Thương, EVN phải có trách nhiệm trong việc này”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Nhiệm vụ lớn thứ hai được Phó Thủ tướng giao cho EVN là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại Tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục rà soát, tái cơ cấu cả tập đoàn, các doanh nghiệp thành viên về sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, nguồn lực…
“EVN phải tăng cường công tác quản trị, sắp xếp bộ máy quản lý, vận hành hợp lý nhằm tăng năng suất lao động; phấn đấu sớm đuổi kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực, đặc biệt đối với các tổng công ty phát điện, truyền tải điện và các tổng công ty điện lực với số lượng lao động rất lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu thứ ba là EVN phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành, nhất là tài chính.
”Kỷ cương phải được nâng lên rõ rệt, trách nhiệm phải rõ ràng, khuyến khích sáng tạo và đổi mới, sản xuất kinh doanh phát triển và bền vững”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho 5 đơn vị đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất người dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập đoàn cần tiếp tục chủ động, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thời gian tiếp cận điện năng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục trong phạm vi quản lý của Tập đoàn. Đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng theo hướng liên thông giữa cơ quan Nhà nước với công ty điện lực, tổng công ty điện lực tại địa phương, bảo đảm tính minh bạch, rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, thống nhất về thủ tục, thời gian thực hiện.
“Công khai và minh bạch chi phí, giá thành, giá điện; kiên quyết phòng chống tham nhũng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Về yêu cầu phát triển ngành điện đi đôi với bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị EVN thực hiện và tham mưu cho Chính phủ trong việc lựa chọn công nghệ thân thiện môi trường, phù hợp với trình độ, điều kiện của Việt Nam, có lộ trình phù hợp.
“EVN phối hợp các bộ, ngành trong xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện. Nếu không xử lý tốt, sẽ là nguy cơ rất lớn cho môi trường. Nhưng nếu có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng, sẽ có thể tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN quan tâm phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, thực hiện tốt các hoạt động xã hội, từ thiện, đặc biệt là hỗ trợ người dân ở những địa bàn khó khăn.
“EVN phải xây dựng được hình ảnh, văn hóa của tập đoàn và nghành điện nói chung, đó là văn hóa phục vụ. Phục vụ vì người dân, vì doanh nghiệp - đây chính là nhân tố để tạo môi trường đầu tư”, Phó Thủ tướng lưu ý tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên EVN.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành giải quyết nhiều kiến nghị của EVN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng cũng đã trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho một số đơn vị đạt thành tích xuất sắc.
Xuân Tuyến