Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
EVN là một trong những đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép được góp mặt trên Cổng dịch vụ công quốc gia ngay từ giai đoạn đầu.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, thực chất việc chuyển đổi số rất phức tạp và cơ bản là không có đường đi định sẵn. Vì vậy, mỗi DN, tổ chức, phải tự tìm con đường riêng. Với EVN, hành trình chuyển đổi số được bắt đầu rất sớm, cách đây khoảng 20 năm, với bước “đột phá” đầu tiên trong lĩnh vực Văn phòng điện tử. EVN đã nhanh chóng đưa các ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực chủ yếu: Sản xuất, vận hành, truyền tải, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng. Việc chuyển đổi số được thực hiện theo 2 mục tiêu rõ ràng: Thứ nhất, hướng tới cung cấp dịch vụ điện một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân; thứ hai, trong nội bộ EVN, phải hỗ trợ nâng cao hiệu quả SXKD, đầu tư xây dựng và quản trị Tập đoàn.
Tại EVN, quá trình chuyển đổi số được thực hiện triệt để với quyết tâm cao của lãnh đạo, đặc biệt là từ Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn. Trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, xuất hiện nhiều công nghệ mới, phù hợp với các yêu cầu về ứng dụng CNTT của EVN. “Tập đoàn đã đặt ra yêu cầu, phải sử dụng công nghệ tốt nhất; phải làm sao để việc ứng dụng trở nên đơn giản, thuận tiện, bất cứ người lao động ở vị trí công việc nào của Tập đoàn cũng có thể sử dụng phần mềm một cách hiệu quả” - Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận Giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Tiếp tục tiến trình chuyển đổi số, tháng 10/2019, HĐTV EVN đã thông qua định hướng kế hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2019 - 2025. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông & CNTT EVN cho biết, mục tiêu chung được Tập đoàn đặt ra là, đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0, xây dựng và phát triển hệ thống CNTT của EVN hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều hành SXKD, quản trị doanh nghiệp, vận hành thị trường điện, điều hành/vận hành hệ thống điện. Cũng đến năm 2025, hệ thống CNTT của EVN trở thành “hệ sinh thái số”, trong đó, nhất thiết phải thống nhất mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của EVN (bao gồm cả phần cứng và phần mềm); chuẩn hóa tiêu chuẩn công nghệ, cấu trúc dữ liệu đảm bảo tính tích hợp và mở rộng trong tương lai.
Mục tiêu là rất lớn, nhưng rào cản cũng không ít. Với đặc thù là đơn vị cung cấp dịch vụ điện cho hơn 96 triệu dân, việc chuyển đổi số của EVN càng phức tạp, áp lực lớn hơn, vì mọi ứng dụng công nghệ của EVN đều trực tiếp, hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng điện, dịch vụ điện. Thực tế, việc triển khai các ứng dụng KHCN không phải lúc nào cũng có hiệu quả ngay. Có những thời điểm, các hệ thống phần mềm của Tập đoàn bị chồng chéo, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, chưa tích hợp toàn diện, không tận dụng, khai thác được nguồn dữ liệu.
Nhận rõ được các yếu tố này, giai đoạn 2019 - 2025, Tập đoàn sẽ khắc phục mô hình kiến trúc tổng thể CNTT phân tán với định hướng xây dựng 4 lớp kiến trúc CNTT. EVN sẽ tập trung ứng dụng triệt để và hiệu quả công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big data), Blockchain, trục tích hợp dịch vụ ESB, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phân tích dữ liệu báo cáo thông minh (BI) và các tiêu chuẩn quốc tế... vào các lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, ứng dụng các mô hình và các giải pháp tổng thể cho việc chuyển đổi số của Tập đoàn; phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, thiết lập nền tảng hạ tầng IoT (Internet vạn vật) dùng chung…
EVN cũng hướng tới hoàn thành nâng cấp các phần mềm hiện hữu, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ điện tương đương dịch vụ hành chính công cấp độ 4 trong năm 2020. Trong giai đoạn 2019 - 2025, Tập đoàn sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung dựa trên các phần mềm lõi của Tập đoàn; hoàn thiện Văn phòng điện tử; ứng dụng công nghệ đo đếm thông minh; phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, tạo ra nội lực đủ mạnh, thực hiện cuộc cách mạng số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.