• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

F0 tiếp tục tăng; 2 tỉnh miền Tây nâng cấp độ dịch

(Chinhphu.vn) - Số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ tiếp tục tăng. Trong khi đó, UBND các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng đã ban hành các quyết định nâng cấp độ dịch toàn tỉnh từ cấp 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) lên cấp 3 - nguy cơ cao (vùng cam) để ứng phó với diễn biến dịch trong tình hình mới.

29/11/2021 08:10

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới liên tục tăng cao, ngày 28/11, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định hỏa tốc số 3416/QĐ-UBND về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ 00 giờ ngày 29/11, tỉnh Sóc Trăng nâng cấp độ dịch COVID-19 từ cấp 2 - nguy cơ trung bình ("vùng vàng") lên cấp 3 - nguy cơ cao ("vùng cam").

Tỉnh phân loại cấp độ dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với cấp huyện và cấp xã. Đối với cấp huyện, có 2 đơn vị cấp độ dịch "vùng xanh", 2 đơn vị "vùng vàng" và 7 đơn vị "vùng cam". Riêng cấp xã có 34 đơn vị "vùng xanh", 43 đơn vị "vùng vàng", 32 đơn vị có cấp độ dịch "vùng cam".

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp, mỗi ngày, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, đặc biệt ca nhiễm trong cộng đồng phát sinh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Chỉ trong ngày 27/11, tỉnh ghi nhận 714 ca mắc COVID-19, trong đó có đến 486 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng nhận định, khả năng sẽ còn nhiều trường hợp ca nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng hoặc các trường hợp F1 nguy cơ cao chưa được cách ly kịp thời. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết, hạn chế số lượng người làm việc tại cơ quan và không tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa thật sự cần thiết trong thời gian này để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh,…

Người dân không ra khỏi nhà từ 21.00h đêm đến 4.00h sáng

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành văn bản hỏa tốc số 2988/UBND-VX về việc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu: Từ 21 giờ 00 phút ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, người dân không ra đường (trừ các trường hợp cấp cứu; các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; phòng chống thiên tai; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài; lực lượng phát hành thư, báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đoán lực lượng thực hiện phòng chống dịch; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas, phương tiện đưa đón công nhân của doanh nghệp).

Thời gian thực hiện từ ngày 28/11 cho đến khi có thông báo mới.

Điều trị F0 tại nhà phải xem xét đảm bảo các điều kiện

Ngày 28/11, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Sở Y tế báo cáo kế hoạch triển khai mô hình trạm y tế lưu động ứng phó với diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; dự thảo hướng dẫn về việc cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần (F1); dự thảo kế hoạch quản lý và chăm sóc sức khỏe người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thực hiện cách ly y tế tại nhà đối với F1 có “Nguy cơ thấp”; trường hợp số lượng F1 quá nhiều, vượt quá khả năng thu dung của cơ sở cách ly tập trung tại địa phương, xem xét các điều kiện cụ thể để áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà.

Trường hợp người nhiễm COVID-19 có nhu cầu cách ly tại nhà phải đảm bảo điều kiện theo quy định. Trạm y tế lưu động thành lập với mục tiêu chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho tình huống triển khai cách ly điều trị người mắc COVID-19 tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Lâu cho rằng việc cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà, thành lập trạm y tế lưu động là xu thế tất yếu khách quan và phải thực hiện. Các địa phương đánh giá sát tình hình thực tiễn để tổ chức thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trung tâm y tế hỗ trợ các xã, phường, thị trấn tăng cường hỗ trợ các lực lượng cho ngành y tế.

Người dân phải tiếp cận y tế ngay từ đầu, người bệnh phải được cấp thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng chỉ định. Các trường hợp F0, F1 phải được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe. 

Mạnh dạn, linh hoạt trong cách ly F1 tại nhà nhưng phải xem xét, đảm bảo các điều kiện. Điều trị F0 tại nhà phải xem xét đảm bảo các điều kiện. Địa phương nào đảm bảo về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất thì thành lập trạm y tế lưu động; thành lập trạm y tế lưu động nằm trong trạm y tế xã, phường, thị trấn và vừa làm nhiệm vụ tại trạm y tế xã, phường, thị trấn vừa thực hiện nhiệm vụ trạm y tế lưu động,…

UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao). Thời gian áp dụng từ 30/11/2021.
Vĩnh Long: Ngày 28/11, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao). Thời gian áp dụng từ 30/11/2021.

UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh công bố cấp độ dịch cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Danh sách cấp độ dịch COVID- 19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế cập nhật ngày 28/11/2021: Thành phố Vĩnh Long, Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn cấp độ 3; huyện Bình Tân cấp độ 2; Thị xã Bình Minh cấp độ 4.

Ngày 28/11, Vĩnh Long ghi nhận 545 trường hợp nghi mắc COVID-19, trong đó có, 363 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại TP Vĩnh Long (11), huyện Long Hồ (25), huyện Mang Thít (26), huyện Vũng Liêm (30), huyện Tam Bình (43), huyện Trà Ôn (67), TX Bình Minh (147), huyện Bình Tân (14); 55 trường hợp qua khám sàng lọc tại cơ sở y tế; 127 trường hợp là F1 được cách ly tập trung.

TÌNH HÌNH DỊCH TẠI CÁC TỈNH TÂY NAM BỘ

Bến Tre: Từ 18 giờ ngày 28/11 đến 6 giờ ngày 29/11, tỉnh Bến Tre ghi nhận thêm 229 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 7.305 ca. Trong đó, có 338 ca ra viện, 64 ca tử vong.

Trong số ca mắc mới, có 223 ca phát hiện trong tỉnh (211 ca cộng đồng, khu cách ly 12 ca), ngoài tỉnh 6 ca tại cộng đồng.

Cần Thơ: Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, trong ngày 28/11, thành phố ghi nhận 1.072 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Quận Ninh Kiều có số ca mắc cao nhất, với 424 ca. Số ca nhiễm COVID-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 24.290 ca.

Trong số ca mắc mới, có 665 ca cách ly tại nhà, 55 ca trong khu cách ly, 50 ca ở khu phong tỏa, 142 ca tầm soát ở cơ sở y tế và 160 ca tầm soát cộng đồng.

An Giang: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 An Giang cho biết, ngày 28-11, toàn tỉnh ghi nhận 375 trường hợp mắc COVID-19 (17 trường hợp ngoài tỉnh). Trong đó, huyện Tịnh Biên ghi nhận nhiều nhất (150 trường hợp), với 121 trường hợp trong cộng đồng. Toàn tỉnh, đã điều trị khỏi bệnh 244 trường hợp.

Tiền Giang: Theo thông tin từ Sở Y tế Tiền Giang, trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 155 F0 mới, tăng 34 ca so với ngày 27/11, nâng tổng số người mắc Covid-19 trên địa bàn Tiền Giang là 24.638 ca.

Theo đánh giá của Sở Y tế Tiền Giang, tình hình dịch cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn một số ca mắc mới lẻ tẻ; các chuỗi lây nhiễm cơ bản đã được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và xử lý.

Đồng Tháp: Kết quả xét nghiệm, ghi nhận 592 ca mắc mới trong ngày 28/11 (giảm 13 ca so với hôm qua), trong đó về từ vùng dịch 28 ca, 247 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 04 ca trong cơ sở điều trị, 176 ca trong khu phong tỏa, 137 ca trong cộng đồng.

Tổng số ca mắc cộng dồn 20.872 ca. Số bệnh nhân Covid-19 hiện đang điều trị 6.919 ca, trong đó 6.570 ca không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. 1.234 ca điều trị tại nhà, nơi cư trú.

Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành chức năng đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu người dân không được chủ quan dù đã tiêm đủ liều vắc xin, cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K, thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid.

TPHCM: 3 quận tăng cấp độ dịch

Về tình hình dịch bệnh tại TPHCM, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính từ 16.00’ ngày 27/11 đến 16.00’ ngày 28/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1454 ca nhiễm mới tại TPHCM.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã ghi nhậnó tổng cộng 463.990 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

UBND TPHCM đã có thông báo khẩn số 174/TB-UBND về kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố tính đến ngày 25/11 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, TPHCM tiếp tục đạt cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Đối với cấp quận, huyện, TP Thủ Đức có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1 (quận 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ) và 13/22 địa phương còn lại đạt cấp độ 2

03 quận tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 4, Bình Thạnh, Tân Phú (từ cấp 1 tăng lên cấp 2).

Đối với cấp phường, xã, thị trấn có 123/312 địa phương đạt cấp độ 1; 184/312 đạt cấp độ 2 và 5/312 địa phương đạt cấp độ 3. Trong đó, có 19 xã, phường giảm cấp độ dịch và 48 xã, phường tăng cấp độ dịch so với tuần trước.

Để TPHCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho hoạt động khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, HCDC khuyến cáo mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, nhất là biện pháp 5K; và không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận.