Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý trong cuộc họp báo ngày 12/6 rằng ngân hàng trung ương vẫn chưa đủ tự tin để cắt giảm lãi suất, ngay cả khi lạm phát đã giảm bớt từ mức đỉnh điểm.
Quan chức Fed hôm qua cũng dự báo chỉ giảm lãi một lần năm nay, thay vì 3 lần như tuyên bố hồi đầu năm.
Viễn cảnh nói trên có thể sẽ làm thất vọng các thị trường, vốn cho rằng Fed sẽ thực hiện ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất sau khi một báo cáo đáng khích lệ công bố ngay trước đó cho thấy lạm phát tại Mỹ đã chậm lại hơn dự kiến.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thừa nhận đã đạt được ít nhất một số thành tựu trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát khiến người dân Mỹ phải vật lộn trong 3 năm qua. Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết trong những tháng gần đây, đã có thêm tiến bộ khiêm tốn hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.
Ông Jerome Powell khẳng định, lạm phát đã giảm đáng kể so với mức đỉnh nhưng vẫn ở mức quá cao: "Nền kinh tế của chúng ta đã đạt được tiến bộ đáng kể… thị trường lao động đã trở nên cân bằng hơn với việc tiếp tục tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp thấp. Lạm phát đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 7% xuống 2,7%, nhưng vẫn còn quá cao. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% để hỗ trợ một nền kinh tế mạnh mẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người".
Fed đang duy trì lập trường hạn chế về chính sách tiền tệ, Powell nói thêm.
Các quan chức Fed kỳ vọng sẽ thực hiện lộ trình hạ lãi suất mạnh tay hơn vào năm 2025, với 4 lần cắt giảm tương đương 1%. Từ nay đến năm 2025, Ủy ban dự đoán sẽ có tổng cộng 5 lần hạ lãi suất, tương đương 1,25 %, trong khi dự đoán hồi tháng 3 là 6 lần.
Nếu dự báo này không thay đổi, lãi suất quỹ liên bang sẽ ở mức 5,1% vào cuối năm tới, cao hơn 0,2% so với ước tính hồi tháng 3.
Các quan chức Fed kỳ vọng đến năm 2026, lạm phát mới hạ nhiệt về 2%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có những diễn biến trái chiều sau khi Fed đưa ra thông báo mới về chính sách lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 35,21 điểm (tương đương 0,09%) xuống 38.712,21 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 45,71 điểm (0,85%) lên 5.421,03 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng thêm 264,89 điểm (1,53%) lên mức 17.608,44 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 có 7 chỉ số kết thúc trong sắc xanh, trong đó công nghệ và công nghiệp dẫn đầu với các mức tăng lần lượt 2,46% và 0,93%. Trong khi đó, năng lượng và hàng tiêu dùng thiết yếu dẫn đầu nhóm tụt hậu khi giảm lần lượt 1,09% và 1,00%.
Thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đã tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 13/6 sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất.
Phản ứng về quyết định của FED, chỉ số Kospi của Hàn Quốc dẫn đầu mức tăng trong khi Nikkei 225 của Nhật Bản, S&P/ASX 200 của Australia cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 13/6.