Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân đạt 14%/năm, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 2008 đã vượt qua mốc 1.000 USD. Nếu tính thêm yếu tố giảm giá của đồng USD, thì từ năm 2010 Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp).
Bước chuyển vị thế này là rất quan trọng, khi vào năm 1988, tức là cách đây 1/4 thế kỷ, Việt Nam mới đạt 86 USD, là một trong vài chục nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
GDP bình quân đầu người tăng lên, nên tổng quy mô GDP của cả nước tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân cũng đã đạt quy mô khá và tăng liên tục qua các năm (năm 2005 đạt 54,7 tỷ USD, năm 2006 đạt 66,3 tỷ USD, năm 2007 đạt 77,4 tỷ USD, năm 2008 đạt 97,5 tỷ USD, năm 2009 đạt 99,8 tỷ USD, năm 2010 đạt 110,7 tỷ USD, năm 2011 đạt 133,1 tỷ USD, năm 2012 ước đạt 155,3 tỷ USD).
Năm 2013, GDP tính theo giá so sánh ước tăng 5,4%, với chỉ số giảm phát GDP ước khoảng trên 7%, tính ra GDP tính theo giá thực tế tăng khoảng 12,8 tương đương khoảng 3.661 nghìn tỷ đồng. Dân số trung bình năm 2012 đạt 88,773 triệu người; dự đoán tốc độ tăng dân số khoảng 1,05%, thì dân số năm 2013 đạt khoảng 89,705 triệu người. Như vậy, GDP giá thực tế bình quân đầu người năm 2013 đạt khoảng 40,8 triệu đồng (năm 2012 đạt 36,6 triệu đồng).
Tỷ giá bình quân năm 2012 là 20.901 đồng/USD. Năm 2013 được dự đoán tăng 2,5% so với 2012 (bình quân 7 tháng 2013 so với cùng kỳ 2012 hiện tăng 0,26%) thì tỷ giá bình quân 2013 sẽ ở mức 21.319 VND/USD. Suy ra, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân sẽ đạt khoảng 1.914 USD, tăng 9,4% so với năm 2012. Quy mô nền kinh tế sẽ đạt khoảng 173 tỷ USD.
Đây là tín hiệu khả quan để có thể sớm đạt được mục tiêu 2.000 USD/người do Đại hội XI đề ra cho năm 2015.
Tuy nhiên, khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam với nhiều nước còn khá lớn. Để tránh tụt hậu, một mặt Việt Nam phải đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn; mặt khác phải ổn định tỷ giá; mặt khác quan trọng hơn là phải phát triển bền vững, tức là giữ được tốc độ tăng trong dài hạn.
Để tăng GDP bình quân theo đầu người tính bằng USD, cần tác động vào 3 yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là tăng GDP tính theo giá thực tế, tạo tiền đề cho việc phân chia giữa người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước; tạo điều kiện để tăng tích luỹ/GDP.
Yếu tố thứ hai là dân số. Tốc độ tăng dân số trung bình của Việt Nam từ năm 2005 đến nay đã chậm lại tương đối nhanh nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn còn tăng gần 1 triệu người.
Yếu tố thứ ba là tỷ giá VND/USD bình quân năm tăng thấp, có năm còn giảm. Ổn định tỷ giá sẽ góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người tính bằng USD.
Minh Ngọc