Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Đinh Thị Thơ hỏi, chức danh công việc của người lao động nếu ghi "công nhân ép suất các sản phẩm cao su" hoặc "công nhân thành hình các sản phẩm cao su" có được công nhận là làm nghề nặng nhọc, độc hại không hay phải ghi đầy đủ công nhân "Ép suất, thành hình các sản phẩm cao su" mới được công nhận là làm nghề nặng nhọc, độc hại? (tại công ty của bà Thơ, ép suất và thành hình là hai công đoạn khác nhau và đều làm công việc nặng nhọc trong môi trường nóng, bụi, ồn và hơi xăng dầu),
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Khi người sử dụng lao động và cơ quan BHXH làm thủ tục tham gia BHXH cho người lao động và ghi thông tin về nghề, công việc người lao động đang làm tại sổ BHXH của người lao động, cần ghi đúng tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 19/2023/TT-BLĐTBXH.
Việc phân công, tổ chức lao động tại doanh nghiệp là quyền của người sử dụng lao động. Đối với một nghề, công việc cụ thể căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc người lao động đang làm trên cơ sở rà soát những tài liệu liên quan đến quá trình làm việc, điều kiện làm việc thực tế của người lao động (như bảng mô tả cụ thể vị trí việc làm; điều kiện lao động của nghề, công việc; văn bản phân công công việc hoặc văn bản xác nhận quá trình công tác của đơn vị sử dụng lao động; sổ BHXH…) so sánh với điều kiện lao động của nghề, công việc cần đối chiếu đã được quy định tại danh mục do Bộ Nội vụ ban hành để xác định người lao động có làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không.
Trường hợp cần điều chỉnh tên nghề, công việc trong sổ BHXH của người lao động, đề nghị liên hệ với cơ quan BHXH thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật BHXH.
Chinhphu.vn