Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2023, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đã giao năm 2023 là 804.420,3 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỷ đồng chưa giao).
Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5/2023 là 158.363,3 tỷ đồng, đạt 19,68% kế hoạch.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 226.159,2 tỷ đồng, đạt 28,11% kế hoạch.
Nhận xét tình hình giải ngân vốn kế hoạch, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 30,49%.
Như vậy, số vốn giải ngân 6 tháng tăng hơn khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (25,68%). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 29,13% (cùng kỳ năm 2022 đạt 26,76%); vốn nước ngoài đạt 15,72% (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,61%).
Theo báo cáo, có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (52,81%), Đồng Tháp (50,28%), Long An (48,9%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (47,08%).
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 37 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương chỉ giải ngân được dưới 15% kế hoạch vốn.
Ngoài những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giải ngân đã được Bộ Tài chính tổng hợp tại báo cáo tháng 5 sau khi tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 Tổ công tác của Chính phủ tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, hiện vẫn nổi lên một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 mới được cho phép kéo dài. Do đó, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung giải ngân nguồn vốn này nên một số dự án chưa kịp giải ngân vốn thuộc kế hoạch năm 2023.
Các dự án sử dụng ODA vừa phải tuân thủ các quy định của nước ngoài vừa phải đảm bảo các thủ tục trong nước, đang thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian.
Một số dự án thuộc lĩnh vực di tích chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, cần phải xin ý kiến các cơ quan chuyên ngành; các dự án mua sắm trang thiết bị (nhất là lĩnh vực y tế) chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu.
Ngoài ra là các vướng mắc trong thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin (đặc biệt là các dự án chuyển đổi số) theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023 Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, về công tác quy hoạch.
Đối với kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2022 sang năm 2023, Bộ Tài chính đã có công văn số 5258/BTC-ĐT ngày 23/5/2023 hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân kế hoạch nguồn vốn trên đảm bảo đến 31/12/2023 giải hết toàn bộ số vốn đã được thông báo.
Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế khẩn trương quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc nội dung số 2 Tiểu dự án 2 Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Lan Phương