Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo mục tiêu kế hoạch 5 năm, từ cơ sở dữ liệu về thu, chi ngân sách của Bộ Tài chính, về GDP theo giá thực tế của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thu ngân sách/GDP và tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP bình quân theo mục tiêu 5 năm và nửa đầu của kế hoạch 5 năm (năm 2011, năm 2012 và 6 tháng 2013) như sau.
Mục tiêu 5 năm và ước thực hiện đến giữa 2013 về ngân sách(%)
Nguồn: Kế hoạch 5 năm, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê |
Mục tiêu kép thể hiện ở hai nội dung. Thứ nhất là tỷ lệ thu ngân sách/GDP theo mục tiêu kế hoạch 2011- 2015 đã thấp xuống so với tỷ lệ thực hiện trong các năm trước đó (còn 23- 24% so với bình quân 26,2% bình quân thời kỳ 2006-2010).
Việc đề ra mục tiêu thấp xuống đã tác động đến 3 khía cạnh: Để bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện kế hoạch; để thực hiện chủ trương “khoan thư sức dân”, bởi dân có giàu thì nước mới mạnh; để “nuôi dưỡng nguồn thu”, nhằm thu được cao hơn trong tương lai; để chuyển dịch, đổi mới cơ cấu thu ngân sách theo hướng tăng hiệu quả trên cơ sở tăng tỷ trọng thu từ trong nước, tăng tỷ trọng thu từ sản xuất kinh doanh.
Nội dung thứ hai, việc đề ra mục tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP thấp xuống là để giảm sức ép đối với lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (như kiềm chế nợ công, nợ nước ngoài…).
Kết quả tích cực về thu, chi ngân sách từ năm 2011 đến nay đạt được trên một số mặt chủ yếu.
Trước hết, tỷ lệ thu ngân sách/GDP thời kỳ từ 2011 đến 6 tháng năm nay đã giảm xuống so với tỷ lệ bình quân thời kỳ 2006-2010 (24,2% so với 26,2%), trong đó, năm 2012 chỉ ở mức 22,9% GDP, 6 tháng 2013 chỉ ở mức 23,5%.
Đây là kết quả được coi là tích cực, xét trên 2 góc độ. Ở góc độ thứ nhất, kết quả này là phù hợp với mục tiêu thấp hơn của kế hoạch 5 năm, cùng với 3 tác động của mục tiêu này.
Ở góc độ thứ hai, kết quả này đạt được trong điều kiện sản xuất kinh doanh có nhiều khó khăn ở cả đầu vào, ở cả đầu ra, cả về tăng trưởng, cả về hiệu quả. Ở đầu vào gặp khó khăn không ít: Tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn còn thấp (tính chung chỉ vào khoảng trên dưới 30%), chủ yếu do phần tích lũy đầu tư giảm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại nhanh (từ trên 33,2%/năm trong thời kỳ 2006-2010 xuống còn 12% trong năm 2011, dưới 9% trong năm 2012; 8 tháng 2013 mới đạt 5,41%, tuy có cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước nhưng còn thấp chỉ bằng trên một nửa tốc độ tăng tiền gửi và còn thấp xa so với định hướng 12% của cả năm). Tỷ trọng vốn huy động trên thị trường chứng khoán cũng bị giảm qua mấy năm nay.
Ở đầu ra, tốc độ tăng tồn kho tăng do tổng cầu yếu, khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) đều giảm mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại (tính theo giá so sánh năm 2010, bình quân năm thời kỳ 2006-2010 tăng 6,32%, thì thời kỳ từ 2011-2012 tăng 5,74%; cả năm 2013 đang phấn đấu đạt 5,3-5,4%). Hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động tăng chậm lại, có mặt còn bị giảm.
Một kết quả khác là trong khi cân đối thu, chi ngân sách còn gặp khó khăn, thì có hai khoản chi vẫn được bảo đảm theo dự toán, theo chính sách, theo cam kết- đó là chi cho con người và chi trả nợ, viện trợ.
Các giải pháp cho mục tiêu kép
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, về lĩnh vực thu, chi và cân đối thu, chi ngân sách cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết, đòi hỏi triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Một, nếu GDP là hiệu quả, thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu kép, cần phải làm cho “chiếc bánh” GDP to ra. Tuy phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, nhưng không để tăng trưởng bị suy giảm, đồng thời với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Hai, về cơ cấu thu ngân sách, tỷ trọng thu nội địa còn thấp, trong khi tỷ trọng thu ngân sách từ dầu thô từ xuất nhập khẩu còn chiếm tỷ trọng cao (cộng 2 khoản này đã chiếm trên 1/3 tổng thu ngân sách). Mặc dù tỷ trọng này đã giảm xuống nhưng vẫn còn lớn, trong khi 2 khoản thu này vừa không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế, lại không ổn định. Thu từ dầu thô phụ thuộc vào sản lượng khai thác, xuất khẩu và phụ thuộc vào giá cả. Thu cân đối từ xuất nhập khẩu phụ thuộc vào lượng hàng, cơ cấu hàng nhập khẩu, giá cả, thuế suất; mà thuế suất có xu hướng giảm xuống khi Việt Nam thực hiện cam kết mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn. Ngay trong khoản thu nội địa, các khoản thu về nhà đất trong những năm trước có năm chiếm tới trên dưới 9% tổng thu, nhưng từ năm 2011 đến nay tỷ trọng đã giảm mạnh do số lượng giao dịch ít đi, do giá cả giảm xuống tới trên 30%... Vì vậy, cần có sự chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu trực tiếp từ hiệu quả của nền kinh tế.
Ba, bảo đảm nguyên tắc là thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, hạn chế tình trạng thất thu do buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, nợ đọng thuế... hiện còn khá phổ biến.
Bốn, quyết liệt hơn nữa trong việc chống tham ô, lãng phí; tăng cường tiết kiệm chi; tinh giảm biên chế hiện còn cồng kềnh, trong điều kiện Việt Nam đã chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường,...
Năm, cần cẩn trọng trong việc vay nợ, xác định rõ trách nhiệm trả nợ cho người vay để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, khi tỷ trọng trả nợ, viện trợ trong tổng chi, tổng thu ngân sách không nhỏ.
Sáu, đẩy mạnh việc mở rộng xã hội hoá để vừa giảm gánh nặng cho ngân sách; vừa khai thác các nguồn lực của xã hội, đẩy nhanh hơn việc cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước.
Ngân sách vừa là chỉ tiêu pháp lệnh, vừa là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả thị trường, vừa là một cân đối vĩ mô quan trọng, tác động đến nhiều mặt kinh tế- xã hội. Do vậy cần phải bám sát mục tiêu do Quốc hội, Chính phủ đề ra, vừa phải tìm mọi cách để thực hiện.
Minh Ngọc