Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong nước và quốc tế về việc thu gom, dọn rác và làm sạch các thủy vực, trong đó tập trung vào rác thải nhựa. Từ việc thu gom rác thải, các đại biểu cũng đã chia sẻ, thảo luận về việc nhân rộng các giải pháp này, cũng như thảo luận các giải pháp tổng thể và căn cơ hơn, như giảm thiểu, tái chế và quản lý hiệu quả chất thải rắn.
Trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sông kênh rạch gắn với triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 và Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về cuộc vận động người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì TPHCM sạch, xanh và thân thiện môi trường, đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng thải bỏ rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch chưa được giải quyết một cách triệt để.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, để đạt các mục tiêu về cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh, rạch... thì việc kiểm soát nguồn thải, bao gồm thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị là nhiệm vụ mà TPHCM hiện đang nỗ lực thực hiện.
Đối với vấn đề rác thải trên sông, kênh, rạch, một mặt, TPHCM tăng cường các giải pháp ngăn ngừa xả thải bừa bãi, duy trì thường xuyên công tác thu gom, xử lý rác thải trên sông, kênh, rạch, mặt khác, Thành phố đặt trọng tâm triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải từ nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đảm bảo 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định. Đặc biệt, Thành phố đẩy mạnh phân loại chất thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết: "Bằng cách thu gom rác thải trên các con sông, chúng ta đang trực tiếp ngăn chặn nhựa từ đất liền ra biển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thu gom rác thải ở các tuyến đường thủy là rất quan trọng. Tôi tin rằng, việc cải thiện quản lý rác thải trong TPHCM sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường. UNDP mong muốn tiếp tục hợp tác với TPHCM trong các dự án về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn và xây dựng các cơ sở thu hồi vật liệu".
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ việc triển khai hệ thống thu gom rác Interceptor 003 tại sông Cần Thơ. Mặc dù hệ thống đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên sông, nhưng hiệu suất thu gom vẫn chưa đạt được mức công suất thiết kế do các yếu tố, như điều kiện thủy văn phức tạp, thiếu các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh rằng, các biện pháp quản lý nghiêm ngặt và sự hợp tác từ các bên liên quan là yếu tố quan trọng để đối phó với lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng.
Chia sẻ về kinh nghiệm thu gom rác trên sông Cần Thơ và những bài học từ các dự án quốc tế, bà Charlotte de Jong, Quản lý Phát triển khu vực châu Á của The Ocean Cleanup cho biết: "Công nghệ tiên tiến và hợp tác quốc tế đóng vai trò thiết yếu trong việc xử lý hiệu quả rác thải nhựa trên các con sông, đặc biệt tại những quốc gia có nguồn phát sinh chất thải nhựa lớn".
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng đã có bài trình bày về khả năng duy trì và nhân rộng các công nghệ thu gom rác trên sông; nhấn mạnh rằng, để các giải pháp này có thể được triển khai rộng rãi, cần có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Các chuyên gia tham gia hội thảo đã kiến nghị về việc cần hoàn thiện khung pháp lý để duy trì và nhân rộng giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch tại nhiều địa phương khác. Đồng thời, hội thảo cũng khuyến nghị tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi xanh và đạt được mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030.
Thùy Dung