• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giải pháp nào để kích cầu du lịch khi giá vé máy bay vẫn neo cao?

(Chinhphu.vn) - Du lịch và Hàng không cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường và cùng cam kết xúc tiến, kinh doanh lâu dài nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác du lịch hai chiều.

12/06/2024 20:24
Giải pháp nào để kích cầu du lịch khi giá vé máy bay vẫn neo cao? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội thảo "Hàng không – du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững" được tổ chức chiều 12/6 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/PT

Tại hội thảo "Hàng không – du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững" được tổ chức chiều 12/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận: Dù đại dịch COVID-19 đã qua nhưng những tác động tiêu cực và hậu quả của đại dịch vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các hãng hàng không. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, thị trường hàng không vẫn tăng trưởng, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế. Đây là kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy giao thương quốc tế và đưa du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều. 

Cùng quan điểm với Bộ trưởng, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch cho biết: 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, là điểm sáng và đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

"Góp phần vào sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không. Thống kê cho thấy hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với các phương thức khác, lên đến gần 80%", ông Cương thông tin.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Ngay trong ngắn hạn, việc hoàn thành mục tiêu năm 2024 của ngành du lịch trở nên đầy thách thức trong bối cảnh đất nước tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu, đặc biệt là trước những diễn biến khó lường từ tình hình địa chính trị thế giới, lạm phát, biến đổi khí hậu…

Giải pháp nào để kích cầu du lịch khi giá vé máy bay vẫn neo cao? - Ảnh 2.

Đại biểu phát biểu tại buổi Hội thảo - Ảnh: VGP

Giá vé máy bay cao, người dân 'ngại' đi du lịch

Nói về những khó khăn mà ngành hàng không đang đối diện, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines (VNA) cho biết giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung của ngành hàng không toàn cầu, do chịu tác động bởi các nguyên nhân: giá nhiên liệu tăng cao, bình quân 2024 tăng 34% so với 2019 (từ 76,7 USD/thùng lên 102,8 USD/thùng); tình hình lạm phát và mất giá đồng tiền, tại Việt Nam bình quân 2024 tăng 8% so với 2019; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) dẫn đến tình trạng khan hiếm tàu bay toàn cầu, ảnh hưởng đến giá thuê tàu bay (bình quân 2024 so 2019 tăng từ 20-30%).

Tại Việt Nam, thời gian qua, tỉ lệ giá vé cao chủ yếu rơi vào các ngày cao điểm trong dịp nghỉ Lễ hoặc các khung giờ đẹp, ngày đẹp khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Hiện tại, hành khách vẫn có thể lựa chọn các mức giá thấp, hợp lý khi chọn lựa các chuyến bay tránh dịp cao điểm, ngày, giờ cao điểm.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng nêu khó khăn "đáng lo ngại" khi số lượng đội máy bay hiện nay chỉ còn 160 chiếc so với hơn 230 chiếc trước dịch COVID-19.

"Xây khách sạn mất 5 năm, còn máy bay thuê ướt (thuê kèm tổ bay, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm) mất 15-30 ngày, thuê khô (chỉ thuê máy bay) mất 3 tháng là cùng. Tuy nhiên, hãng bay không cố gắng đưa máy bay về để bay vì mặt bằng chi phí đầu vào hàng không như hiện nay, cơ chế giá trần duy trì từ thời bao cấp, các hãng bay nội địa không có lãi, càng thuê thêm nhiều máy bay càng phải gồng lỗ, gánh chi phí khổng lồ. Nếu có lãi, không cần ai nhắc nhở, các hãng cũng sẽ vì lợi ích của mình mà tìm thuê thêm nhiều máy bay. Khi ấy, giá vé máy bay nội địa chắc chắn sẽ hạ nhiệt," ông Nam nêu quan điểm.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhìn nhận giá vé máy bay tăng cao không chỉ làm tổn hại cho ngành hàng không và du lịch mà còn tác động đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là sinh kế của người dân địa phương.

"Giá vé máy bay trong nước ở Việt Nam chỉ thấp hơn chút ít so với giá vé máy bay đi các nước trong khu vực. Do đó, nhiều gia đình Việt Nam sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển," ông Chính lo ngại.

Mặt khác, ông Chính cũng cho rằng chính sách thời gian nhận, trả phòng đang áp dụng theo khung cứng mà chưa có sự linh hoạt về thời gian. Trong khi đó, việc nhận và trả phòng linh hoạt là một định hình mới trong ngành khách sạn mà các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải thay đổi theo xu thế.

Về phía các đơn vị du lịch, bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc khối kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group cho rằng: Giá vé máy bay trong nước tăng cao đã khiến xu hướng đi du lịch của khách thay đổi. Không chỉ lượng khách nội địa đi du lịch bằng máy bay suy giảm, mà nhiều người đã lựa chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc… vì chi phí vé máy bay rẻ hơn.

"Đây cũng là một minh chứng cho sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa địa phương-du lịch-hàng không, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các điểm đến trong nước, mà còn làm ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên và gián tiếp hạn chế khả năng tăng tốc phát triển của ngành du lịch Việt Nam và sự tăng trưởng của nền kinh tế," bà Lan đánh giá.

Giải pháp nào để kích cầu du lịch khi giá vé máy bay vẫn neo cao? - Ảnh 6.

Giải pháp nào?

Nói về giải pháp, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA): Ngành hàng không-du lịch vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hiện, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã quay trở lại năm 2019 còn khách quốc nội vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng. Trong bối cảnh thiếu hụt đội bay, muốn tăng tải chỉ bay sáng sớm và đêm.

"Tháng 4-5/2024, Vietnam Airlines tăng rất nhiều chuyến bay đêm để giảm giá vé. Tháng 5, Vietnam Airlines phải hủy 10% chuyến do không có khách vào khung giờ đêm, điều này cho thấy nhu cầu thị trường khách chưa sẵn sàng bởi mất thêm chi phí phòng, điểm đến có thuận tiện cho mọi người đi lại không...," ông Hà chia sẻ.

Từ đó, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách giảm giá đêm đầu tiên cho những khách bay đêm. Hàng không và du lịch cần có sự bắt tay nhau để có các chương trình chính sách bay đêm.

Để việc liên kết xúc tiến, quảng bá giữa Du lịch và Hàng không có hiệu quả lâu dài, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Saigontourist cũng cho rằng: Du lịch và Hàng không cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường và cùng cam kết xúc tiến, kinh doanh lâu dài nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác du lịch hai chiều. 

Để kích cầu du lịch trong nước, Lữ hành Saigontourist đang phối hợp cùng Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21h hàng ngày đến các điểm đến du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour. Dự kiến, dòng sản phẩm này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay với một chính sách giá rất cạnh tranh và vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ và đầy đủ các trải nghiệm cho du khách trong nước.

Phía Tập đoàn Sun Group kiến nghị địa phương-du lịch-hàng không phải bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Không chỉ hàng không và du lịch cần đưa ra chính sách giá tốt, các địa phương/điểm đến cũng cần đưa ra những chính sách ưu đãi giá hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng…) để tạo điều kiện xây dựng những chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch… sẽ giúp các bên cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.

Nhằm giảm mặt bằng giá vé, hỗ trợ việc kích cầu du lịch, đại diện các hãng hàng không, ngành du lịch kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục các chương trình hỗ trợ các hãng bay như: giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay; phí hạ cất cánh; giảm lãi suất vay ngân hàng; có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội bay; chính sách quản lý giờ cất, hạ cánh, giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; bỏ quy định về giá trần; địa phương có sân bay có cơ chế, chính sách bù lỗ cho ngành hàng không...

6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đi lại bằng đường hàng không ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023 và bằng 98% so cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2022. Dự báo, lượng khách vận chuyển bằng đường hàng không năm 2024 xấp xỉ 78,3 triệu, tăng 7,7% so năm 2023.

Phan Trang