Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự hội thảo có bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin truyền thông); bà Phan Thị Thuỳ Trâm, Phó Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ; bà Đặng Ngọc Chi, Phó Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban điện tử Báo Nhân dân, đại diện Báo Bảo vệ Pháp luật...; cùng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực báo chí và chuyển đổi số báo chí.
Phát biểu Báo cáo dẫn đề tại hội thảo, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết: “Thực tiễn triển khai chuyển đổi số báo chí cho thấy, nhận thức và kinh nghiệm về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là một bước ngoặt, tạo cơ hội thay đổi toàn diện về chất của mỗi cơ quan báo chí và tiếp nhận của công chúng, nhưng đồng thời cũng đem đến cho báo chí nhiều thách thức, khó khăn, buộc phải có giải pháp xử lý, thích ứng từ góc độ quản lý của cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí".
Các tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Bộ Tư pháp tiếp thu, tham khảo phục vụ việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số báo chí của Bộ Tư pháp và triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin truyền thông cho biết một số kết quả bước đầu chuyển đổi số báo chí và chiến lược chuyển đổi số báo chí. Bà Thảo đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông và một số giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Giới thiệu về những bước chuyển đổi mạnh mẽ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thời gian qua, Phó Tổng giám đốc Phan Thị Thùy Trâm cho biết: Căn cứ Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ quan truyền thông của Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ đã sự chuẩn bị tích cực, có hiệu quả cho công tác chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông chính sách của mình nhằm mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí của Chính phủ theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.
Theo đó, Cổng TTĐT Chính phủ như xây dựng hệ sinh thái trên các nền tảng đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận và tạo sự tương tác thân thiện với bạn đọc đối với các vấn đề được truyền tải. Điều này đã được Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào thực hiện truyền thông chính sách ngày càng hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới, nhất là đứng trước thách thức, cơ hội của chuyển đổi số trên thế giới và tiến trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay.
Ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban điện tử Báo Nhân dân chia sẻ, để chuyển đổi số báo chí tại Báo Nhân dân có hiệu quả trong thời gian qua, Báo Nhân dân đã tập trung vào báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí chuyên sâu kết hợp công nghệ. Ngoài ra, mô hình toà soạn hội tụ Nhân dân điện tử cũng là một yếu tố không thể thiếu để Báo Nhân dân thành công trong chuyển đổi số báo chí...
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, báo chí không thể nằm ngoài công cuộc chuyển đổi mang tính đột phá này. Thời gian qua, Đảng, nhà nước đã hết sức quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng. Nhiều văn bản đã được ban hành nhằm triển khai hiệu quả cuộc cách mạng này, và gần đây nhất, Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược "Chuyền đổi số báo chí đến năm đến năm 2025, dịnh hướng đến năm 2030.
Theo Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam, các cơ quan báo chí, với tư cách là các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng, nhà nước cần phải ý thức trách nhiệm cao với đất nước và cũng vì chính sự tồn tại và phát triển của mình trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Nhiều cơ quan báo chí đã sớm nhận thức đây là một cơ hội để phát triên và tích cực vào cuộc. Nhờ vậy mà thời gian qua có thể nói công cuộc chuyên đổi số đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
LS