Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ tháng 9/1985 đến tháng 11/1994 ông Lê Hồng Thanh (tỉnh Lâm Đồng) là công nhân mộc, tham gia thi công các công trình của Xí nghiệp xây lắp của Liên hiệp Vật liệu xây dựng Đức Trọng Lâm Đồng; học hệ Trung cấp kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp tại trường Trung cấp xây dựng; phòng Kinh doanh tổng hợp của Liên hiệp Vật liệu xây dựng Đức Trọng Lâm Đồng; Công ty Kinh doanh phát triển Nhà Nam tỉnh Lâm Đồng.
Ông Thanh chưa hưởng chế độ trợ cấp thôi việc một lần cho thời gian công tác liên tục nêu trên. Do cơ quan cũ di chuyển nhiều địa điểm, thay đổi về nhân sự nên hồ sơ của ông bị thất lạc, hiện chỉ còn một bản lý lịch gốc xác nhận thời gian công tác từ năm 1985 đến 1992 học trung cấp xây dựng theo hình thức cơ quan cử đi học, 1 giấy thôi trả lương của nhà trường sau khi kết thúc khóa học, quyết định chuyển công tác về đơn vị mới sau khi đã kết thúc khóa học kèm 1 giấy thôi trả lương (các giấy tờ trên đều là bản gốc).
Ông Thanh hỏi, với các giấy tờ còn lại ông có được cộng nối thời gian công tác không? Từ năm 1994 đến nay ông là viên chức của một đơn vị sự nghiệp công lập do huyện quản lý.
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1/1/1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định.
Đề nghị ông Thanh và đơn vị sử dụng lao động thực hiện theo hướng dẫn nêu trên để được xem xét, giải quyết.
Chinhphu.vn