• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 255/TB-VPCP ngày 23/5/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

23/05/2025 18:59
Giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Thông báo nêu: Công tác bảo vệ môi trường được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Cùng với kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trụ cột quan trọng, không thể tách rời, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường được ban hành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo điều hành để chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. 

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường có lúc, có nơi còn diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt, thiếu hiệu quả, chưa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, việc phân công nhiệm vụ còn chồng chéo, bất cập, chưa đảm bảo nguyên tắc "6 rõ" - rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.

Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường

Để Chỉ thị sau khi được ban hành tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp; tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương tiếp tục rà soát hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trong đó lưu ý một số nội dung sau:

- Về tên Chỉ thị: cần ngắn gọn, rõ ràng theo hướng "Chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng".

- Nội dung đánh giá tình hình và nguyên nhân cần ngắn gọn, súc tích, khái quát tình hình mức độ, ô nhiễm môi trường trên cả nước, các vấn đề môi trường bức xúc như ô nhiễm không khí, nguồn nước ở các thành phố lớn, đô thị, ô nhiễm môi trường lưu vực sông, làng nghề.

- Về nhiệm vụ, giải pháp: Cần rà soát, tổng hợp vào dự thảo Chỉ thị các nhiệm vụ giải pháp đã được xác định trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, nghị quyết của Chính phủ, các chỉ thị, kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đang thực hiện nhưng cần tiếp tục tăng cường triển khai, đảm bảo nội dung dự thảo Chỉ thị có tính kế thừa, đồng bộ, hệ thống, hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Cần xác định những nhiệm giải pháp cấp bách, lộ trình thời gian hoàn thành để giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, đô thị, lưu vực sông, làng nghề.

Đối với các nhiệm vụ có cơ sở pháp lý (đã được quy định tại luật, nghị định) thì quy định theo đúng nguyên tắc "6 rõ"; những nhiệm vụ có tính mới và chưa được pháp luật quy định, có tác động sâu, rộng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì cần quy định theo hướng giao cơ quan có chức năng nghiên cứu, đề xuất, có tổng hợp, đánh giá các ý kiến của các cơ quan liên quan.

- Về phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành, cơ quan cần rà soát đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật, theo nguyên tắc một nhiệm vụ chỉ do một cơ quan chủ trì phụ trách, tránh trường hợp làm thay, trùng dẫm, lãng phí nguồn lực; quy định rõ trách nhiệm phối hợp trong hoạt động triển khai thực hiện.

- Về trách nhiệm của địa phương hoàn thiện theo hướng: cần quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của người đứng đầu trong xây dựng các kế hoạch, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu về môi trường 5 năm và hàng năm; trách nhiệm trong triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; thiết lập hệ thống dữ liệu quan trắc, giám sát kết nối về Trung ương.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội: Chỉ thị cần giao mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả, thời gian hoàn thành và quy định trách nhiệm toàn diện của Ủy ban nhân dân 02 Thành phố trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng thống nhất với đề xuất trong dự thảo Chỉ thị giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lập, phê duyệt, triển khai các đề án theo thẩm quyền đồng thời, quy định trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai. Quá trình xây dựng, thực hiện đề án, Ủy ban nhân dân 02 Thành phố nghiên cứu có các biện pháp, chế tài đủ mạnh, phù hợp để các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường không tiếp tục diễn ra, đồng thời có các giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện (hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, các chính sách hỗ trợ, …) với lộ trình, thời điểm phù hợp để đảm bảo đáp ứng được hai mục tiêu giảm ô nhiễm và đảm bảo các hoạt động dân sinh, kinh tế diễn ra bình thường; đồng thời có định hướng truyền thông để tạo sự đồng thuận của xã hội. Trong trường hợp nội dung đề án có liên quan đến quyền công dân, ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì nên ưu tiên sử dụng các hình thức kiểm soát thông qua các công cụ kinh tế, tài chính, cố gắng tránh việc cấm, dừng đột ngột vì vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường cần sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của người dân, doanh nghiệp và cần thời gian để thay đổi về nhận thức.

Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục hoàn thiện văn bản theo kết luận này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phương Nhi