• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giải quyết triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

(Chinhphu.vn) - Đây là mục tiêu được lãnh đạo Bộ NN&PTNT nêu trong hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức chiều 19/10.

19/10/2015 19:40

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong công tác đảm bảo VSATTP sự vào cuộc của các đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ ở địa phương là hết sức quan trọng. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã lắng nghe các ý kiến phản ánh từ các bộ ngành và đặc biệt là từ địa phương về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thời gian qua.

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai kiểm tra xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản. Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra phân loại và kiểm tra định kỳ khoảng 7.400 cơ sở, trong đó có 1.504 cơ sở xếp loại C. Trung bình khoảng 68% cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra.

Bộ NN&PTNT đã tổ chức 29 đoàn kiểm tra, ban hành 1.198 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 22 tỉ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh nhà xưởng…

Theo đại diện các bộ ngành và địa phương, lĩnh vực VSATTP trong nông nghiệp còn nhiều tồn tại chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là các cơ sở giết mổ xếp loại C sau tái kiểm tra chưa được xử lý; việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây bất an cho người tiêu dùng; uy tín của doanh nghiệp, của hàng nông sản, thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết mục tiêu của đợt cao điểm VSATTP trong nông nghiệp kéo dài từ nay đến hết tháng 2/2016 là giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đặc biệt là nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất vàng ô (thường sử dụng làm ve tường trong xây dựng); giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thuỷ sản.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Các địa phương quyết liệt vào cuộc, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chất cấm thường xuyên. Đợt cao điểm triển khai ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có thể thành công nếu chúng ta ngăn chặn được tận gốc vấn đề mà ở đây là phát hiện xử lý các đối tượng buôn bán chất cấm, tuồn chất cấm vào trong chăn nuôi chứ không phải chỉ xử phạt một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng chất cấm”.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ đồng tình với việc triển khai đợt cao điểm của Bộ NN&PTNT và lưu ý “chúng ta tập trung làm nhưng không phải hết đợt là dừng lại mà cần rút kinh nghiệm, hình dung ra phương thức làm để tiếp tục thực hiện”.

Trong quá trình triển khai đợt cao điểm, Phó Thủ tướng cho rằng cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì sự vào cuộc của các đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ ở địa phương hết sức quan trọng, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo đến từng hộ nông dân, người tiêu dùng những hành vi, sản phẩm hay những nguy cơ về ATTP rất cụ thể.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ như chất vàng ô, dứt khoát phải nói đến cùng cho mọi người hiểu chất này là như thế nào. Lúc đó, có người trước đây đã dùng vì không biết rõ thì nay họ sẽ không sử dụng nữa. Còn người đã biết về chất này rồi mà vẫn tiếp tục sử dụng thì đấy là vi phạm và phải xử lý nghiêm.

"Ở các địa phương, nông dân làm việc gì mà hội nông dân lại không biết. Từng nhà một, nhà nào làm gì, dùng loại thuốc gì, kinh nghiệm, rỉ tai nhau thế nào thì hội nông dân, hội phụ nữ còn biết rõ hơn, nên chúng ta phải hết sức lưu ý việc động viên lực lượng này vào việc giám sát”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành nông nghiệp khuyến khích, hỗ trợ những mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, theo chuỗi với sự tham gia của DN để cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường.

Nhắc đến cách xây dựng chuỗi nông sản từ các tỉnh xung quanh cung cấp thị trường Hà Nội, TPHCM, Phó Thủ tướng cho rằng nên nhân rộng mô hình này ra các đô thị lớn trong cả nước.

Bên cạnh đó, các Bộ NN&PTNT, Y tế, Công Thương cần ghi nhận, tiếp thu đầy đủ kiến nghị từ các địa phương để khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản theo trách nhiệm của mình liên quan đến công tác đảm bảo VSATTP; tạo cơ chế tài chính, điều kiện cho hoạt động thanh kiểm tra ATTP ở cơ sở đạt hiệu quả cao nhất...

Đình Nam