Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước khi làm Giám đốc WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhiều năm làm việc cho WB, trong đó đáng chú ý chức vụ đầu tiên là Chuyên gia Quản lý nguồn nước. Ông có 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo các chương trình đa ngành về nước, phát triển đô thị và môi trường nên nắm bắt khá rõ về các vấn đề của khu vực ĐBSCL.
4 nguyên tắc nền tảng
Tại Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu 2017 mới đây, đại diện WB cho rằng, để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần áp dụng cách tiếp cận “Chính phủ quy về một mối”. Có nghĩa là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung ương và kinh tế tư nhân để sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài chính, tài nguyên thiên nhiên có được.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam trao đổi ý kiến với các đại biểu. Ảnh: WB |
Ông Ousmane Dione đưa ra 4 nguyên tắc để củng cố nền tảng lâu dài cho khu vực là: Xác định nguy cơ, bất định; chú trọng hiệu quả; có tính liên kết; tận dụng lợi thế so sánh. Cụ thể, đầu tiên là do ĐBSCL nằm ở cao độ thấp nên biến đổi khí hậu cùng các ảnh hưởng của nó (thừa nước, thiếu nước, nước không bảo đảm vệ sinh và các hậu quả đi kèm) sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm những vấn đề về sử dụng nguồn nước và đất đai. Việc tính đến các yếu tố bất định là một đòi hỏi bắt buộc.
Thứ hai, Việt Nam cần thực hiện cam kết, tăng cường hiệu quả, hiệu suất sử dụng các nguồn tài chính. Tình trạng phân tán ngân sách, đầu tư hiện nay cũng như sự thiếu hiệu quả trong việc xây dựng những môi trường thuận lợi đang cản trở tiềm năng tăng trưởng chung của khu vực ĐBSCL. Vì vậy cần phải có những giải pháp mới mẻ để tận dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khan hiếm, ban hành những chính sách để định hướng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên. Các đề án như: “An ninh Nguồn nước khu vực ĐBSCL”, hay “Vận tải Đường thủy khu vực miền Nam” là những bước đi đúng hướng sẽ tạo tiền đề để tăng cường hợp tác hiệu quả nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung. Các đề án này đều đang được xây dựng theo mô hình bao quát, lồng ghép, trên phạm vi toàn vùng. Thứ ba, để tận dụng đầy đủ tiềm năng phát triển của khu vực ĐBSCL cần tối ưu hóa mối liên kết giữa các địa phương rõ ràng là cần thiết, đặc biệt trong quản lý đất đai, sử dụng nguồn nước, kết nối hạ tầng.Thứ tư, cần tận dụng tốt các lợi thế so sánh gồm các tiểu vùng thủy sinh và được thiên nhiên ưu đãi những vốn tự nhiên đa dạng, nhưng hiện vùng đang gặp vấn đề về mất đi nguồn lợi do diện tích cánh đồng thu hẹp, trong khi đó, các khu vực ở ven biển lại đang đối mặt với tình trạng ngập mặn, sạt lở ngày càng tăng.
Để tạo chuyển biến về sinh kế và đáp ứng nhu cầu về hạ tầng ở vùng thượng ĐBSCL cần phải chú trọng vào phát triển nông nghiệp lúa nước và hạn chế ngập úng. Mặt khác, các khu vực ven biển cần phát triển sản xuất, kinh doanh ở những địa bàn nước lợ để thích ứng với tình hình ngập mặn ngày càng tăng. Nếu tận dụng được yếu tố lợi thế nhờ quy mô, các tiểu vùng của khu vực sẽ nâng cao được sức cạnh tranh, tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu…
4 yếu tố để đạt được phát triển bền vững
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, để khu vực ĐBSCL chuyển đổi để phát triển bền vững, có khả năng thích ứng cao, đòi hỏi phải chú trọng 4 yếu tố đó là: Thể chế, hệ thống thông tin, đầu tư, triển khai thực hiện.
Trước tiên, về thể chế, đại diện WB hoan nghênh Chính phủ đã có những bước đi đầu tiên khi thực hiện thí điểm các chương trình hợp tác trong vùng, theo Quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ. Sự hợp tác trong khu vực này là cần thiết để thoát khỏi lề lối quy hoạch cũ theo kiểu địa phương, đơn lẻ và hướng tới cách tiếp cận có sự phối hợp, bao quát hơn về không gian, lồng ghép. Nhờ đó, các bên sẽ nâng cao hiệu quả, khắc phục các vấn đề về sự chồng chéo quyền hạn giữa các ban ngành… Đại diện WB đề nghị Việt Nam cân nhắc chuyển đổi mô hình quản lý hiện nay sang cơ chế mới hiệu quả hơn, có nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí đầy đủ để nắm vai trò lãnh đạo quá trình phát triển của khu vực ĐBSCL.Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) dẫn chứng các mô hình thể chế toàn vùng của một số quốc gia khác, như Văn phòng Ủy viên Quản lý Đồng bằng Hà Lan, là cơ quan được giao quyền hạn, nhiệm vụ, kinh phí quy hoạch, đầu tư của Hà Lan; Cục quản lý vùng Thung lũng Tennessee của Mỹ, bằng các hoạt động của mình đã chuyển hóa được một trong những khu vực lạc hậu của nước này thành một mô hình phát triển lồng ghép; hay “Tổ chức Quản lý vùng Lưu vực sông Senegal” OMVS, một tổ chức liên quốc gia quản lý chung toàn bộ các chương trình phát triển liên quan đến nguồn nước của bốn quốc gia có sông nằm trong khu vực Châu thổ sông Senegal, trên nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng…
Thứ hai, là một trong những khu vực đồng bằng được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới, ĐBSCL phải có một cơ sở dữ liệu tổng hợp, đáng tin cậy, với những quy trình chia sẻ hiệu quả, thống nhất.
Những thông tin này cần được tích hợp vào trong quá trình quy hoạch, trong đó chú trọng vào phát triển không gian, lồng ghép, liên địa phương. Cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng trong thiết kế, lựa chọn địa điểm, quy mô ưu tiên đầu tư, để thông tin hiệu quả cho Chính phủ ra quyết định. Luật Quy hoạch sắp ban hành sẽ tạo thuận lợi để xử lý những hạn chế, những sự chồng chéo trong quy hoạch phát triển tổng thể ở các cấp, giữa các lĩnh vực.
Ông Ousmane Dione khẳng định, WB sẵn sàng hỗ trợ quá trình lập Quy hoạch tổng thể lồng ghép, nhằm phối hợp công tác đầu tư, kết nối hạ tầng, tập trung nguồn lực cho quản lý sử dụng đất, chính sách phát triển ngành, thống nhất hài hòa chiến lược phát triển sản xuất, chuỗi giá trị, huy động kinh tế tư nhân.
Thứ ba, về nguồn vốn, do nhu cầu đầu tư lớn nên vùng này cần tuân thủ chặt chẽ các bước xác định, lập chương trình, sắp xếp ưu tiên đầu tư để đảm bảo hiệu quả, hiệu suất đầu tư, có tính đến các yếu tố bất định, những sự đánh đổi, lồng ghép vào quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Công tác này sẽ phát sinh những chi phí và đòi hỏi phải huy động nguồn lực. Vì thế câu hỏi căn bản ở đây là lấy nguồn tiền ở đâu. Từ bài học của các nước khác, Việt Nam có thể cân nhắc thành lập một Quỹ Phát triển ĐBSCL, có cơ chế quản lý hoạt động rõ ràng, để huy động những nguồn vốn cấp bách, dành riêng cho từng mục đích, phù hợp với các nguyên tắc chung về quản lý bền vững, thích ứng khu vực.
Mô hình quỹ này có thể có các nguồn huy động vốn gồm: huy động vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng – dành riêng cho các dự án liên địa phương, trong đó, có huy động vốn tư nhân – nhằm khuyến khích tư nhân tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản, ươm trồng, đưa các doanh nghiệp mới khởi nghiệp ra thị trường…; thông qua Trung tâm Đối mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), cơ chế này có thể là chất xúc tác để thúc đẩy những giải pháp mới cho sự phát triển của vùng…
Cuối cùng, chỉ số thành công trong việc đổi mới mô hình phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không chỉ xác định được dựa trên thiết kế mô hình, mà sẽ được xác định cụ thể hơn từ những hoạt động thực tế với các kết quả cụ thể.
Đại diện WB dân câu nói, “không để sự hoàn thiện trở thành kẻ thù của cái tốt”, hay theo của câu châm ngôn nổi tiếng, ta hãy “cứ bắt tay vào làm ngay”.
“Nếu càng chờ đợi lâu trước khi thực hiện những đổi mới đó thì cái giá phải trả vì không có hành động cần thiết sẽ càng cao.”, Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh.