Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hai ngày cuối tuần đầu tháng 4, chúng tôi rong ruổi trải nghiệm tại hai vịnh nổi tiếng của Việt Nam là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng). Điều làm tôi không khỏi băn khoăn là cho đến bao giờ tình trạng rác thải mới được giảm thiểu, khi ngay cả ở trên vịnh hay trên những bãi cát dài, bờ biển đẹp vẫn còn khá nhiều rác thải.
Rác thải xuất hiện đầu tháng 4 vừa qua trên vịnh Hạ Long là các phao xốp được cho là do các hộ dân tự tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh, làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên của Di sản thế giới vịnh Hạ Long và danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà.
Trước thực trạng này, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 273 ngày 5/4 gửi Ban Quản lý vịnh Hạ Long và Ban quản lý Di sản Thiên nhiên quần đảo Cát Bà đề nghị kiểm tra, cung cấp thông tin liên quan đến việc quản lý và nuôi trồng thủy sản, sử dụng phao xốp ở vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ.
UBND TP. Hạ Long cũng đã huy động các lực lượng chức năng của Thành phố ra quân đợt cao điểm bảo vệ môi trường biển.
Ngay sau lễ phát động, thành phố đã huy động 8 tàu và gần 20 xuồng, đò để tiến hành thu gom rác từ hòn Dầm Bắc đến khu vực hang Hồ Động Tiên, Núi Lượt, Chân Voi, Tùng Lâm. Sau khi thu gom, toàn bộ lượng rác thải được đưa vào bờ tập kết để xử lý theo quy định.
Du lịch Việt Nam sẽ để lại những ấn tượng không đẹp khi rác thải vẫn còn trôi nổi trên mặt nước; túi nilon, chai lọ nhựa, ống hút nhựa, đồ ăn thừa… vẫn còn ngập ở các điểm du lịch. Những loại rác thải đó rất khó tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Vấn đề rác thải nhựa tại các điểm du lịch luôn trở thành vấn đề "nóng" khi mỗi mùa du lịch đến gần. Chính vì vậy ngay tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa đã được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo "Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch Việt Nam". Trước đó, Lễ khởi động Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" cũng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với UNDP tổ chức và thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần, sau đó thải bỏ.
Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi để tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, còn một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển. Lượng chất thải nhựa và túi nilon của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt.
Rác thải nhựa dùng 1 lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loại sinh vật khác. Do tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đã trở nên nguy hiểm khi làm thay đổi tính chất vật lý của đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng và cản trở sinh trưởng của các loài động thực vật.
Theo thống kê mới đây, Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng từ 0,28 -0,73 triệu tấn/ năm).
Thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm du lịch chiếm tỉ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên. Trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nilon/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Trao đổi với chúng tôi trong chuyến đi thực tế tại vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ vừa qua, ông Phạm Hà – Chủ tịch Tập đoàn Lux Group (doanh nghiệp lữ hành kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ) cho biết, hình ảnh rác thải ngập trên vịnh thực sự phản cảm, khiến những doanh nghiệp làm du lịch như ông cảm thấy ái ngại khi giới thiệu cho du khách đặc biệt là du khách nước ngoài về những danh lam, thắng cảnh, những di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam.
Ông Phạm Hà cho rằng, trong khi du khách ngày càng có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường thì công tác quản lý điểm đến tại các địa phương đang còn rất yếu kém. Vì vậy, các điểm đến cần trách nhiệm hơn trong việc xây dựng Việt Nam thành điểm đến xanh, biến điều đó trở thành điểm mạnh để phát triển du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường. Nếu không được giải quyết, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, ô nhiễm rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, Việt Nam cần có sự chuyển biến thực sự trong công tác xử lý rác thải nhựa. Nhưng trước hết, những người làm du lịch cần tiên phong hành động giảm rác thải nhựa, sau đó sẽ tác động lôi cuốn mọi người cùng làm. Đồng thời các cơ quan quản lý về du lịch tại địa phương cũng cần làm gương, phải tích cực vận động người dân thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa.
Tại Hội thảo "Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch Việt Nam" vừa được tổ chức trong khuôn khổ của Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, những mô hình về giảm thiểu rác thiểu rác thải nhựa ở Quảng Nam và Ninh Bình được đánh giá cao về hiệu quả mang lại.
Với mục tiêu hướng đến là Hội An – Điểm đến xanh, Dự án quản lý rác thải nguồn tại Hội An đã thực sự mang lại những kết quả ngoài mong đợi. Bà Vũ Mỹ Hạnh, đại diện của Nhóm Dự án quản lý rác thải nguồn tại Hội An chia sẻ, "không rác thải" đã trở thành tiêu chí kinh doanh của cơ sở lưu trú, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ở Hội An.
Hơn 10 năm trước, năm 2012, chính quyền TP. Hội An đã ký kết thực hiện dự án "Giảm thiểu khối lượng rác thải theo mô hình TP. Naha (Nhật Bản), trong đó có những doanh nghiệp tiên phong tham gia và thực hiện giảm thiểu rác thải. Ngày 9/9/2019, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam công bố cam kết thực hiện giảm rác thải tại hội thảo phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 với chủ đề "Du lịch không rác thải nhựa".
Từ tháng 6/2020 đến nay, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND TP. Hội An phối hợp kêu gọi doanh nghiệp du lịch tham gia cam kết giảm rác thải và rác thải nhựa. Các hoạt động kết nối mạng lưới và tư vấn kỹ thuật được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giảm rác thải, biến rác thải thành tài nguyên.
Bà Vũ Mỹ Hạnh nhớ lại thời điểm ban đầu khi triển khai Dự án, trong quá trình tiếp cận với các doanh nghiệp du lịch, nhận thấy có người quan tâm, có người không quan tâm nhưng khi bà đề cập tới việc cùng tạo ra giá trị một điểm đến bền vững về mặt môi trường và các doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi ích trong đó thì các doanh nghiệp đã quan tâm và tự nguyện tham gia. Cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền, các tổ chức phát triển phi chính phủ, nhà tài trợ, các tổ chức cung cấp giải pháp và cộng đồng địa phương.
Kết quả đạt được là sau thời gian thực hiện dự án có 50 doanh nghiệp du lịch tự nguyện ký cam kết tham gia mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải. Một hệ sinh thái tái chế đang dần được hình thành và phát triển; những điểm đến với chủ đề Không rác thải đi vào vận hành và phát triển, xây dựng thương hiệu Hội An - điểm đến xanh.
Cho đến nay, Hội An đã có những điểm đến mang chủ đề "không rác thải", đặc biệt còn tạo ra sản phẩm du lịch du khách tham quan những điểm đến tái chế rác thải.
Bà Vũ Mỹ Hạnh cho biết, giải pháp mà thành phố Hội An đang thực hiện là mô hình 8T "Hướng dẫn quản lý rác thải tại nguồn trong quy trình vận hành tại các cơ sở kinh doanh du lịch" bao gồm: Tổ chức thực hiện; từ chối; tiết giảm; tái sử dụng, làm đầy; thay thế; phân loại để tái chế; truyền thông tham gia mạng lưới; tạo sản phẩm dịch vụ bền vững.
Tới nay tại Hội An có 27 cơ sở kinh doanh như quán cà phê, villa homestay, nhà hàng… tái sử dụng làm đầy các sản phẩm tẩy rửa (nước rửa chén, nước lau sàn, giấm tẩy rửa…) và tái sử dụng nhiều chai lọ, giảm bớt tiêu thụ mới.
Minh chứng cho kết quả đạt được là khách sạn La Siesta Hội An Resort & Spa đã thay thế túi nilon bọc thùng rác bằng giấy báo, sau một năm, khách sạn này đã cắt giảm hoàn toàn khoảng 3,5 tấn nhựa. Hay như việc từ chối chai nước nhựa, thay thế bằng chai thuỷ tinh và bình lọc để khách tự làm đầy, Silk Sense Hoi An River Resort sau 1,5 năm đã giảm được việc sử dụng 20.000 chai nhựa dùng một lần.
Tại Gia Viễn (Ninh Bình), Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Vũ Thị Dược cho biết, địa phương đã phát động nhiều chiến dịch giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, gần đây nhất là "Tuần lễ du lịch xanh". Trên địa bàn đã có nhiều mô hình du lịch xanh, giúp học sinh trải nghiệm du lịch sạch, làm đẹp môi trường, cảnh quan.
Các chương trình đang được Gia Viễn triển khai là: Chở xanh - Thở lành (phát thùng rác bằng mây tre đan cho người dân, khách du lịch); chương trình “hộp quà xanh - điều em muốn nói” để các học sinh tái chế rác thải nhựa thành các tháp cây, trồng cây xanh và làm các sản phẩm quà tặng để gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật; ngày chủ nhật xanh. Các chương trình này không chỉ được thực hiện trong cộng đồng địa phương mà du khách cũng được tham gia.
Mới đây nhất, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" cũng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với UNDP khởi động vào trung tuần tháng 2/2023 với 3 hợp phần chính là: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch. Điều này hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; bảo vệ môi trường để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Diệp Anh